CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

RẠM ĐI LỄ PHẬT



          

Rạm là loài giáp xác, họ hàng với cua nước lỡ, cua đồng, ba khía, cồng … Lưởng cư, nhưng thời gian sống dưới nước nhiều hơn sống trên cạn, khi hết nước, rạm mới sống trên can, chổ ẩm ướt đào hang để sống. Dòng họ của nhà rạm thì rất nhiều loại không kể hết được.     
Rạm có thân dẹp, hơi vuông, hai càng gần bằng nhau, con to nhất chừng 5x4 cm, các que dẹp xếp rất gọn hai bên. Nhìn phía trên lưng, không thể phân biệt được con đực hay con cái như cua xanh nước lỡ hay cua đồng, bởi cua xanh nước lỡ và cua đồng, con đực có càng bên phải lớn hơn. Khi lật ngữa lên mới biết được con đực, con cái nhờ cái yếm của nó. Con đực luôn có yếm nhỏ còn con cái yếm rất lớn chiếm gần hết phía dưới, yếm rộng để chứa trứng và giữ con non. Cua đồng chỉ sống ở nước ngọt, rạm thì sống ở nước lỡ và đất pha sét, vùng rào, hói, sông gần tiếp giáp với cửa biển. Rạm chắc, cứng, thịt rạm ăn rất ngon và bổ, nhưng ăn nhiều lần gần nhau hay để dành bữa sau thì nó có mùi hăng hắc như mùi amoniac. Khi bắt được nhiều, ăn không hết, người ta rửa sạch bỏ vào cối giả nát thêm muối với tỷ lệ đeể làm nước mắm. Đặc biệt nước mắm rạm chấm rau luộc thì hết chỗ chê
           Vào cuối thập niên 1950 và thập niên 1960, ở vùng thôn quê nói chung và vùng quê Gio Linh nói riêng, dân trí còn quá thấp kém, khoa học kỹ thuật chưa phát triển – nhất là sinh học. Văn hóa, lối sống thì bị ảnh hưởng về mê tín dị đoan, con người hay dựa vào tha lực, không tin vào nội lực, những hiện tượng thiên nhiên làm cho họ suy diễn rồi tạo nên những câu chuyện có tính chất thần bí rồi đồn đãi với nhau mới có câu chuyên “Rạm đi lễ Phật” .
           Quê tôi, vùng đồng bằng luôn ngập nước vào mùa mưa, có con sông đào nối liền Hiếu giang từ Mai Xá ngang qua các xã Gio Mai, Gio Thành, Gio Mỹ, Trung Giang, đổ ra sông Bến Hải ở đoạn Kênh Hòm thôn Xuân Hòa. Từ trước năm 1975, bởi vì thông vào hai sông Hiếu và Bến Hải gần cửa Việt và cửa Tùng nên con sông đào này luôn có nước mặn tràn vào vào mùa nắng hạn nhưng nhờ có nước ngọt ở suối Ông Búp chảy về trộn lẫn nên sông luôn luôn là nước lỡ. Ở đây tôm, cua, cá rất nhiều, nhất là loài rạm. Trong suốt thời gian sinh ra và lớn lên trên quê hương có con sông đào này chảy qua (từ 1944 – 1967) tôi luôn “mục sở thị” -  chứ không phải nghe kể lại – năm nào cũng như năm nào cứ đến ngày 14 và rằm tháng tư âm lịch, ngày 14 thì toàn những con rạm đực, ngày rằm thì toàn những con rạm cái, chúng bơi lừng chừng hoặc nổi lên mặt nước, theo dòng thủy triều bơi về hai đầu sông (gần chỗ có nước mặn). Hiện tượng này năm nào cũng có vào dịp lễ Phật đản, cho nên người dân cứ đồn lên với nhau là loài vật (chúng sanh) cũng biết được ngày trọng đại nhất làm động đến càn khôn. Họ bảo rằng ngày 14 rạm đực đi lễ còn ngày rằm rạm cái bới thực phẩm đi cúng Phật
           Một số người tin như vậy thì họ không bao giờ bắt rạm vào những ngày này. Từ đó dân vùng này vào vào đạo Phật rất đông. Họ đâu biết rằng đây là mùa giao phối của chúng, chúng hẹn nhau ra chỗ gần cửa sông giao phối để duy trì nòi giống nhà rạm của chúng. Trước tháng tư âm lịch, không con rạm cái nào có trứng trong yếm nhưng sau tháng tư, các con rạm cái con nào cũng có trứng hoặc con mang đầy trong yếm. Khi mùa mưa lụt, một số rạm con tràn vào các đồng ruộng hai bên bờ sông để sinh sống, không ra được nhưng đến những ngày này chúng cũng tìm cách bò đi. Còn những con ở giữa sông thì vẫn nối tiếp truyền thống ông cha của chúng nó để lại là đi lễ Phật vào rằm tháng tư hàng năm.
            Bây giờ thì hiện tượng này không còn nữa, bởi hai đầu sông đã bị bắt đập chặn lại, không cho nước mặn tràn vào, suối Ông Búp cũng chặn lại để lấy nước ngọt vào ruộng, sông chỉ còn là con lạch nhỏ, về mùa nắng hạn thì khô queo. Con người đã cậy sức mạnh của mình đã ngăn cản thiên nhiên làm xáo trộn nếp sống cũng như hủy hoại một số môi trường đáng lẽ phải dùng cách nào đó khác để tránh đi cho hiện tượng này duy trì và phát triển.
                                                        Hoàng Kim Liên
                                                     BRVT, Rằm tháng tư năm Ất Mùi





KHÓC BẠN


(về Nguyễn Hường Lan Đình bị tai nạn giao thông
 mất ngày 27.5.2015 tai Gio Linh)

Lại thêm một bạn nữa rời dương thế
Hay tin buồn không thể biết làm sao
Tình đồng môn – bạn hữu nước mắt trào
Xa xôi quá biết làm sao chia sẻ.

Hình bóng bạn từ nay đà vắng vẻ
Bạn ra đi nào chia sẻ đôi lời
Gia đình bè bạn cách trở đôi nơi
Sao đành đoạn Hường ơi! Hường nhỉ!

Năm mươi lăn năm bạn  bè đâu dễ
Từ năm sáu mươi gặp gỡ Gio Linh
Thế hệ thứ hai Trung học bọn mình
Đội bóng chuyền trường bạn người ưu tú.

Thế rồi xong năm học lớp Đệ Tứ
Mỗi người một phương tìm lối mưu sinh
Đứa tiếp tục học thêm đứa nhà binh
Trong chiến loạn làm sao liên lạc được.

Sống đến hôm nay cũng nhờ may phước
Sau bảy lăm vẫn chẳng biết mất còn
Đứa Trung đứa Nam tìm kiếm mỏi mòn
Và cũng chỉ vì miếng cơm manh áo.

Lúc nào về quê ta cũng đều thông báo
Lớp sáu mươi – ở lại* - đến gặp nhau
Dù tuổi già mà vẫn gọi mi tau
Như thuở ấy cùng ngồi chung trong lớp.

Dẫu biết rằng mỗi người một trường hợp
May mắn còn gặp là quý lắm rồi
Mỗi bận về thăm tâm sự cạn lời
Vui lúc gặp buồn khi đứa một ngả.

Bè bạn, quê hương trong ta sao lạ
Khắc khoải trong lòng cứ mãi vấn vương
Giờ đây mỗi khi họp lớp họp trường
Còn đâu nữa bạn đồng môn đồng lứa**

Gia đình vợ con đợi cơm từng bữa
Bạn bè cùng lớp ai nấy cảm thương
Chúng ta đã vĩnh viễn mất Nguyễn Hường
Một nỗi buồn trào dâng lên bất tận.

 Dù cho nghiệp số hay là hạn vận
Ai ai cũng thương tiếc ngậm ngùi
Đốt nén hương lòng từ trái tim tôi
Thành tâm ta cầu mong bạn an lạc.

Cùng tất cả những người bạn khác
Cầu bạn thông dong cỡi hạc quy tiên
Đừng thiết tha chi đừng có lụy phiền
Mà thanh thản ra đi cho nhẹ bước.

Chuyện sinh tử mấy ai điều khiển được
Thôi cũng đành chịu nợ kiếp lai sinh
Làm sao trả hết nổi chuyện nghĩa tình
Nên phó thác cho hậu sinh cáng đáng.
                                               30.5.2015


 ----------------------------------------------------------- 
  
*    Lớp năm 1960 – 1964 đang ở lại Gio Linh
** Cùng lớp, cùng sinh năm 1944