Rạm là loài giáp xác, họ hàng với cua nước
lỡ, cua đồng, ba khía, cồng … Lưởng cư, nhưng thời gian sống dưới nước nhiều
hơn sống trên cạn, khi hết nước, rạm mới sống trên can, chổ ẩm ướt đào hang để sống. Dòng họ
của nhà rạm thì rất nhiều loại không kể hết được.
Rạm có thân dẹp, hơi vuông, hai càng gần bằng
nhau, con to nhất chừng 5x4 cm, các que dẹp xếp rất gọn hai bên. Nhìn phía trên
lưng, không thể phân biệt được con đực hay con cái như
cua xanh nước lỡ hay cua
đồng, bởi cua xanh nước lỡ và cua đồng, con đực có càng bên phải lớn hơn. Khi lật
ngữa lên mới biết được con đực, con cái nhờ cái yếm của nó. Con đực luôn có yếm
nhỏ còn con cái yếm rất lớn chiếm gần hết phía dưới, yếm rộng để chứa trứng và giữ con
non.
Cua đồng chỉ sống ở nước ngọt, rạm thì sống ở nước lỡ và đất pha sét,
vùng rào, hói, sông gần tiếp giáp với cửa biển. Rạm chắc, cứng, thịt rạm ăn
rất ngon và bổ, nhưng ăn nhiều lần gần nhau hay để dành bữa sau thì
nó có mùi hăng hắc như mùi amoniac. Khi bắt được nhiều, ăn không hết,
người ta rửa sạch bỏ vào cối giả nát thêm muối với tỷ lệ đeể làm nước
mắm. Đặc biệt nước mắm rạm chấm rau luộc thì hết chỗ chê



Vào
cuối thập niên 1950 và thập niên 1960, ở vùng thôn quê nói chung và vùng quê
Gio Linh nói riêng, dân trí còn quá thấp kém, khoa học kỹ thuật chưa phát triển
– nhất là sinh học. Văn hóa, lối sống thì bị ảnh hưởng về mê tín dị đoan, con
người hay dựa vào tha lực, không tin vào nội lực, những hiện tượng thiên nhiên
làm cho họ suy diễn rồi tạo nên những câu chuyện có tính chất thần bí rồi đồn
đãi với nhau mới có câu chuyên “Rạm đi lễ Phật” .
Quê tôi, vùng đồng bằng luôn ngập
nước vào mùa mưa, có con sông đào nối liền Hiếu giang từ Mai Xá ngang
qua các xã Gio Mai, Gio Thành, Gio Mỹ, Trung Giang, đổ ra sông Bến Hải
ở đoạn Kênh Hòm thôn Xuân Hòa. Từ trước năm 1975, bởi vì thông vào hai
sông Hiếu và Bến Hải gần cửa Việt và cửa Tùng nên con sông đào này
luôn có nước mặn tràn vào vào mùa nắng hạn nhưng nhờ có nước ngọt
ở suối Ông Búp chảy về trộn lẫn nên sông luôn luôn là nước lỡ. Ở đây
tôm, cua, cá rất nhiều, nhất là loài rạm. Trong suốt thời gian sinh ra
và lớn lên trên quê hương có con sông đào này chảy qua (từ 1944 – 1967)
tôi luôn “mục sở thị” - chứ không
phải nghe kể lại – năm nào cũng như năm nào cứ đến ngày 14 và rằm tháng
tư âm lịch, ngày 14 thì toàn những con rạm đực, ngày rằm thì toàn
những con rạm cái, chúng bơi lừng chừng hoặc nổi lên mặt nước, theo
dòng thủy triều bơi về hai đầu sông (gần chỗ có nước mặn). Hiện
tượng này năm nào cũng có vào dịp lễ Phật đản, cho nên người dân cứ
đồn lên với nhau là loài vật (chúng sanh) cũng biết được ngày trọng
đại nhất làm động đến càn khôn. Họ bảo rằng ngày 14 rạm đực đi lễ
còn ngày rằm rạm cái bới thực phẩm đi cúng Phật
Một
số người tin như vậy thì họ không bao giờ bắt rạm vào những ngày
này. Từ đó dân vùng này vào vào đạo Phật rất đông. Họ đâu biết
rằng đây là mùa giao phối của chúng, chúng hẹn nhau ra chỗ gần cửa
sông giao phối để duy trì nòi giống nhà rạm của chúng. Trước tháng
tư âm lịch, không con rạm cái nào có trứng trong yếm nhưng sau tháng
tư, các con rạm cái con nào cũng có trứng hoặc con mang đầy trong
yếm. Khi mùa mưa lụt, một số rạm con tràn vào các đồng ruộng hai bên
bờ sông để sinh sống, không ra được nhưng đến những ngày này chúng cũng
tìm cách bò đi. Còn những con ở giữa sông thì vẫn nối tiếp truyền
thống ông cha của chúng nó để lại là đi lễ Phật vào rằm tháng tư hàng
năm.
Bây giờ thì hiện tượng này
không còn nữa, bởi hai đầu sông đã bị bắt đập chặn lại, không cho nước
mặn tràn vào, suối Ông Búp cũng chặn lại để lấy nước ngọt vào
ruộng, sông chỉ còn là con lạch nhỏ, về mùa nắng hạn thì khô queo.
Con người đã cậy sức mạnh của mình đã ngăn cản thiên nhiên làm xáo
trộn nếp sống cũng như hủy hoại một số môi trường đáng lẽ phải
dùng cách nào đó khác để tránh đi cho hiện tượng này duy trì và phát
triển.
Hoàng
Kim Liên
BRVT, Rằm tháng tư năm Ất Mùi
BRVT, Rằm tháng tư năm Ất Mùi