CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

NHỮNG MÓN ĂN ĐẶC BIẾT Ở QUÊ HƯƠNG GIO LINH

                                             Hoàng Kim Liên 
          Ở bất cứ một vùng đất nào, không điểm này thì điểm khắc cũng có những điều đặc biệt nổi bật: Địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội vân vân… Quảng Trị, nổi tiếng một vùng về ẩm thực thì có nem nướng ở Sãi, cháo lòng thả, bánh canh ở Diên Sanh…; về lịch sử có Ái Tử, Trà Bát, Cỗ Thành…; về địa lý có giếng cỗ ở Gio An, Gio Sơn…
          Gio Linh cũng có những cái đặc biệt của nó, cũng có những cái nổi tiếng xưa nay, thí dụ như giếng cỗ ở xã Gio Sơn, Gio An; trò chơi cướp cù ở Cẩm Phổ, An Mỹ; xà lách xoong ở Hảo Sơn - Gio An; Chắt chắt ở Mai Xá, bánh sắn chợ Cầu - Gio Linh, thơm (khóm,dứa) Hà Thựơng, thanh trà ở Nam Đông…Những nét đặc trưng, độc đáo thì nhiều nhưng chúng tôi chỉ đề cập đến một số ít tượng trưng mà thôi.


         - Xà lách xoong ở Hảo Sơn 
          Ở vùng có thời tiết nóng bức về mùa hè như ở làng Hảo Sơn xã Gio An, huyện Gio Linh mà có một loại rau – chỉ sống ở vùng quanh năm mát mẽ như ở Đà Lạt – sống được ở đó và nó trở thành loại thực phẩm đặc sản ở miền Trung. Nó khó trồng đại trà dù có những cải tiến khoa học xen vào cũng khó có thể trồng được.
          Ở làng Hảo Sơn, người ta trồng hàng sào – thậm chí hàng mẫu – loại rau nầy, chủ yếu nhờ có dòng nước mát mẽ quanh năm chảy ra từ những giếng cỗ và rau cũng trồng được quanh năm, xuất đi bán khắp các tỉnh miềm Trung như Đà Nẳng, Huế, Quảng Bình… Vùng nầy chỉ có ở Gio An trồng được, hơn nữa loại rau có nhiều ưu điểm nên nó trở thành món đặc sản nổi tiếng về ẩm thực nhờ ngon, bổ dưỡng, rẻ tiền lại có những đắc dụng trong y học.
          Đây là loại rau có rất nhiều chất dinh dưỡng, khi ăn không nên nấu quá chính, nên ăn sống hoặc sốt với thịt bò,cà chua, trứng. Nó có chứa nhiều loại vitamin như B1, B6, E, K, iodine, sắt, kẽm, manné, calcium. Ngoài ra, xà lách xoong là loại thực phẩm chức năng chứa quenretin có thavoresid kháng viêm, có khả năng cai nghiện rươu, thuốc lá và phòng chống ung thư. Các nhà khoa học trường Đại Học Southampton – Anh – cho biết : mỗi ngày ăn 80 gram xà lách xoong sẽ làm tăng hàm lượng phân tử chống ung thư máu, chiết suất từ xà lách xoong có đặc tính ức chế thế bào ung thư vú.
          Tóm lại, cây xà lách xoong, là loại cây thực phẩm thông dụng, rẻ tiền dễ ăn, bổ dưỡng và là cây thực phẩm đặc sản nổi tiếng của vùng Gio Linh từ xưa đến bây giờ.
          - Thơm Mộ ở Hà Thượng. 
          Thơm còn gọi là dứa – Miền Bắc, là khóm – Miền Nam – là loại trái cây thực phẩm thông thường và phổ biến ở trên thế giới và Việt Nam, đâu đâu cũng có,đâu đâu cũng trồng được, có nhiều giống loại khác nhau. Thông thường, người ta dùng thơm để nấu canh, kho với thịt cá hay nấu lẫu, còn ăn tươi sống khi thơm chính vàng thì ít bởi vì nó chua nhiều hơn ngọt, ăn vào nó có chất làm kiên răng, tê rát lưỡi, miệng.
          Đặc biệt ở làng Hà Thượng và Lan Đình, có một loại thơm người ta chỉ để ăn tươi sống khi vừa chính, để chính vàng là úng, bỏ, không ăn được. Loại thơm nầy nhỏ trái hơn, tròn, bằng nửa trái thơm bình thường, mắt nó cạn, gọt trái thơm ra thấy là mê ngay, bên trong có màu vàng sậm, trong trong, rướm rướm mật ra, có một mùi thơm ngan ngát dễ chịu. Ăn thì ngọt thanh như mật, không chua, bùi bùi khó diễn tả được. Hay một điều là ăn vào không bị kiên răng, không tê rát lưỡi, miệng. Một người có thể ăn được hai trái. Loại thơm nầy dân địa phương gọi là thơm Hà Nội hay thơm mộ.
          Phía Tây làng Hà Thượng, sát với làng Tân Lịch có một xóm gọi là xóm Mộ. Xóm Mộ đất trồng thơm rất hạp, nhưng thơm ngon vẫn là giống thơm nhỏ trái nầy. Giống thơm Hà Nội nầy nhỏ trái ít năng suất, trồng ở xóm Mộ nên gọi là thơm Mộ nổi tiếng ngon một thời, không biết bây giờ còn hay không.
          - Bánh sắn chợ cầu.
           Bánh sắn (Dân miền Trung hay gọi củ mì là củ sắn) hay bánh bột lọc ở chỗ nào cũng có cả và ai cũng có thể chế biến được, rất dễ làm, chỉ chịu khó một chút mà thôi. Dân nông thôn, nhà nào cũng có thể chế biến ra nhiều món ăn từ củ sắn. Nhưng bánh sắn chợ Cầu ngon nổi tiếng từ thâp kỷ 50 của thế kỷ trước cho đến bây giờ. Ngày xưa nếu mẹ đi chợ về, lục thúng không có gói bánh sắn là buồn lắm. Các nơi khác khi nhắc đến chợ Cầu Gio Linh là liên tưởng đến món bánh sắn, muốn đến đó một lần để thưởng thức món ăn đặc sắc nổi tiếng nầy.
          Có điều chắc chắn rằng bánh sắn bây giờ không ngon bằng bánh sắn ngày xưa. Vì mua bột khô ngoài chợ, sản xuất đại trà, pha trộn, tẩy khử bằng máy móc rồi để lâu ngày nên khi làm bánh ra, hương vị cũng như chất lượng không bằng bột tươi làm bằng thủ công. Xin nói qua cách chế biến tinh bột thủ công.
          Khi ra chợ bán bánh, tranh thủ ghé đến chỗ bán sắn củ, mua một “triêng” (gánh) hay một “ngẳu” (rổ) sắn củ mới nhổ hôm qua, khi bán xong thau bánh, đem về nhà, cạo sạch vỏ ngoài, rửa sạch sẽ , đem mài. Dụng cụ mài làm bằng miếng sắt mỏng dài chừng 30 cm, rộng chừng 25cm cắt ra từ thùng đựng dầu lửa hiệu con sò, chọn một mặt tấm sắt, lấy đinh nhọn đục thủng nhiều chỗ hết bề mặt tấm sắt, đều, lỗ cách lỗ cỡ ba bốn mm chỉ chừa chung quanh để đóng giá đỡ cho khỏi thụng tấm mài. Khi đục xong, mặt bên kia bây giờ nhô lên vô số mảnh nhọn li ti rất sắc, vô ý đụng nhầm sẽ bị chảy máu. Người ta kê tấm mài lên một cái thau rồi bỏ củ sắn lên mài đi, mài lại cho mòn dần, mài xong rổ sắn, ta đã có một thau xác bột thô. Đổ nước trong vào thật nhiều cho khỏa lút hết rồi quậy một hồi, lấy một tấm vải thưa vớt xác bột bỏ vào vắt khô nước xuống thau, cuối cùng lấy tấm vải ấy trải lên miệng thau khác, đổ hết nước trong thau bột lên thau nầy và vắt xác bột trong tấm vải để loại hết xác. Để thau nước đục trắng như sữa này khoảng 30 phút. Bây giờ thau nước trong ngần, dưới đáy đông lại một lớp tinh bột. Đổ nhẹ nước trên mặt ra hết rồi đổ nước khác vào, guậy lớp tinh bột nầy tan ra nước một lần nửa rồi để cho đông lại và đổ nước đi để loai mùi hăng của sắn. Bây giờ mới là bột lọc. bột lọc lấy ra bỏ vào môt tấm vải khác dày hơn để lên tro nóng hay vật thấm nước để loại bớt nước trong bôt trước khi làm bánh.
          Làm bánh : Bây giờ bột còn hơi ướt, bắc sẵn một soong nước sôi, vo bột lại từng cục bằng quả cam, bỏ vào nước đang sôi đó, để sôi chừng năm phút, vớt những cục bột đó ra mâm hoặc khay, lấy đũa banh cục bột ra, bên trong đã ráo. Đừng để sôi lâu bên ngoài cục bột chính nhiều, nhồi sẽ ướt, bánh bị nhảo, không ngon. Bánh ngon một phần nhờ xào nhân ngon, chế biến nước mắn ngon. Trước khi bắt bánh, phải chuẩn bị nhân. Thịt heo ba chỉ cắt nhỏ như hột đậu phụng, tôm nhỏ (không phải tép), đậu phụng rang, tất cả đổ chung vào xào với gia vị cho thật thơm ngon. Bột lọc đã nhồi bắt ra từng viên nhỏ bằng trái nhãn lớn rồi ép mỏng ra thành miếng tròn, bỏ nhân vào, xếp lại, lấy ngón cái và ngón trỏ ép biêng lại cho dính chặt với nhau. Cái bánh chưa luộc bây giờ có hình bán nguyệt như chiếc đãy nên có nơi gọi là bánh quai đãy hay quai vạc. Bánh làm xong, người ta nấu một nồi nước thật sôi, đổ tất cả bánh vào luộc khoảng năm phút, khi nào bánh nổi lên mặt thì vớt ra đổ vào soong nước lạnh, vớt ra trộn với chút ít dầu mỡ để cho bớt dính chùm. Quan trọng nữa là nước chấm, chế biến từ nước mắm nhỉ thật ngon, ớt mọi thơm. Bánh được trộn rãi lên mặt một ít lá hành xắt nhỏ và một ít nước dùng có pha dầu mỡ vàng tươi rưới lên. Luộc bánh vừa chính mới ngon, luộc lâu, chính quá sẽ bị ướt, bung nhân ra ngoài.
          Bây giờ thấy cái bánh trong trong, hiện rỏ con tôm nằm cong cong, đỏ tươi ôm miếng thịt, hột đậu với mùi nước mắm trộn lẫn với mùi gia vị hành, tiêu, ớt và cái bánh tráng nướng giòn thì thôi, đi không dứt thế nào cũng phải ăn một dĩa cho đỡ thèm. Nhớ chuyện xưa, chờ mẹ đi chợ Cầu về, mẹ để thúng xuống, mắt chỉ nhìn có gói bánh sắn hay không, có là mừng rồi:
           Mẹ về chợ
           Mẹ về ra đón giữa sân,
           Mắt nhìn gói bánh sắn trần mẹ mua.
           Dù rằng chợ đã hơi trưa,
           Mẹ quên sao được con thơ đón mừng.
           Mẹ xoa đầu vẻ chiều cưng,
           Nhìn mắt trong sáng nuốt từng ngây thơ.
            Muốn ăn cả nhà một bữa cho đả thì mua sắn về tự chế biến lấy.
           - Chắt chắt Mai Xá :
            Làng Mai Xá ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh có nhiều cái nổi tiếng lắm, trong đó phải nói đến món ăn đặc biệt là món chắt chắt.
          Quê hương Mai Xá được thừa hưởng một phần ưu đải do thiên nhiên ban tặng. Làng Mai Xá nằm sát bờ sông Thạch Hãn và sông Hiếu, ở đó thông ra Cửa Việt, một vùng nước lợ, quê hương của giống chắt chắt sinh sôi nẩy nở và phát triển mạnh. Chắt chắt là một loại hến nhỏ, bằng hạt đậu, hạt bắp, sống dưới lớp bùn cát dưới đáy sông.Ngoài nghề nông, dân ở đây có thêm một nghề phụ lúc nông nhàn đó là nghề cào chắt chắt và chế biến thực phẩm bằng chắt chắt. Chắt chắt có thể bán con sống khi mới cào về hoặc chế biến thành món ăn để kinh doanh. Chắt chắt là món ăn ngon, rẻ tiền, bổ dưỡng, dễ khai thác, dễ chế biến nên rất được nhiều người ưa chuộng. Bất cứ mùa nào người ta cũng có thể cào được chắt chắt. Lấy một cái rổ thưa lớn, xuống nước đè một phía miệng rổ xuống lớp bùn cát dưới sông, đi thụt lùi, cào mạnh cho chắt chắt vào rổ rồi đưa lên mặt nước sàng qua, sàng lại cho bùn cát lọt ra ngoài, còn lại con chắt chắt…(ngày nay người ta dùng thuyền, ngồi trên đưa vợt lưới xuống cào). Đem về chà rửa sạch lớp bùn bám bên ngoài, ngâm với nước vo gạo chừng một tiếng đồng hồ, xong đổ ra nước trong chà xát lại rồi trơi sàng hết những con chết, sau đó, bỏ chắt chắt lên nồi luộc. Khi nào thấy chắt chắt há vỏ ra thì lấy một nắm đũa chừng ba bốn đôi đưa vào guậy cho chắt chắt hả vỏ hết, bắc xuống, đổ hết nước luộc nầy ra một nồi khác để nấu canh, nấu bún. Nước nầy rất ngọt và ngon, nấu canh với bất cứ loại rau quả nào cũng ngon hết.
          Vỏ và thịt chắt chắt đổ vào một nồi khác, đổ nước sạch vào, lấy nắm đũa guậy mãi cho đến lúc thấy không còn thịt chắt chắt dính với vỏ chắt chắt nữa, người ta lấy cái rổ nhỏ thưa thưa đổ vào sàng lọc lấy hết thit, còn xác đổ thành đống, đốt làm vôi. Bây giờ con chắt chắt thịt đã có sẵn tùy thích chế biến món nào thì món: Nào là xào với hành, dầu tiêu, ớt, gia vị xúc ăn với bánh tráng; lấy nước luộc chắt chắt nấu bún; thấu gỏi mít với chắt chắt (mít non, gọt vỏ, rửa sạch xắt nhỏ như hạt đậu, hông chính, trộn với chắt chắt đã xào ngon, thêm gia vị hành, tiêu, ném, tỏi, ớt (ớt nhiều và phải rất cay), bột ngọt, nước mắm và bánh tráng nướng nữa thì ăn biết no chứ không biết ngán. Mùi thơm đặc trưng của chắt chắt, cộng với mùi thơm của gia vị, thấy và ngũi vào thì không cưỡng nổi món chắt chắt của làng Mai Xá.
           Ai đã từng ăn cơm hến ở quán Âm Phủ - Huế - lúc 12 giờ đêm thì mới thấy giá trị của chắt chắt. Món chắt chắt của làng Mai Xá là món ăn đặc sản nổi tiếng của xứ Gio Linh.
          Ngoài những món ăn nổi tiếng vừa kể, Gio Linh còn có nhiều điểm đặc biệt khác nữa như : 12 đời Thượng thư của họ Trần Đình làng Hà Trung; gương nổi tiếng hiếu học với trên 200 cử nhân, kỷ sư, thạc sĩ, tiến sĩ của họ Trương Quang làng Mai Xá, nổi tiếng văn chương của họ Trần Cảnh làng Xuân Mỵ; thủ công, đan đát mây tre của làng Lan Đình, Phước Thị (bây giờ không có điều kiện nên bỏ dần); gạo gie vàng, gie con, nếp thơm, nếp kỳ lân ở làng An Mỹ…
Ngày xưa, có một bài “nói lối” không biết do ai đặt được lưu truyền, nói về đặc điểm (không được chính xác lắm) của một số làng ở vùng hạ bạn:
                      Văn chương Xuân Mỵ,
                      Lý sự Thủy Khê,
                      Làm thuê Cẩm Phổ (làng nhiều dân, ít ruộng)
                      Đan rổ Phước Thị,
                      Làm đị (đẹp) Lại An
                      Hò khoan Mai Xá,
                      Ở giá Nhỉ Trung,
                      Thầy cung Nhỉ Thượng,
                      Cải chướng An Mỹ …
             Mặc dù địa phương nào cũng có những cái nổi tiếng, có những nổi tiếng giống như quê hương mình, nhưng là con dân của quê hương Gio Linh tưởng cũng nên quảng bá những điều hay, điều tốt, điều đặc biệt của mình để khuyến khích hoặc quảng cáo cho ngươi khác cùng biết.
                                                                 Hoàng kim Liên

Không có nhận xét nào: