CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

QUỶ CỐC TIÊN SINH

                                     QUỶ CỐC TIÊN SINH
                                                                                    Hoàng Kim Liên
          Đó là cái tên người ta đặt cho Ông.
          Vào khoảng năm 1960, một hội chợ triển lảm tổng hợp tại Đà Nẳng (Toural) và Sàigon, có một phòng giúp vui khách khi đến xem triển lảm. Phòng được đóng kín, chỉ chừa một cửa ra và một cửa vào. Bên trong trang hoàng đơn giản : một chiếc ghế như long sàng của vua chúa thời xưa, để trên một cái bệ, cao trên một mét, phía trước cách bệ khoảng bốn mét có một hàng rào chắn để khách tham quan không được tới gần, ánh sáng xanh pha tím lờ mờ huyền ảo.


Ai vào xem đều phải mua vé.
           Để kích thích sự tò mò và hiếu kỳ của khách, người ta quảng cáo bên ngoài là có “người lạ” từ ngoài trái đất đến : “Quỷ Cốc Tiên Sinh”, do đó mà khi đi ngang qua gian hàng ai cũng muốn vào xem thử cho biết vì thế mà rất đông khách. Người ta bàn tán xôn xao về vị Quỷ Cốc Tiên Sinh nầy có nhiều tài lắm như đốt giấy ra tiền, nhai một tờ giấy trắng nhỏ nuốt đi rồi vài phút sau lôi từ trong miệng ra từng sợi giấy nhỏ đủ màu sắc nhiều cả đống… trong không gian với ánh sáng huyền ảo, đứng xa, chưa từng thấy một người như vậy nên những người đã đi xem rồi họ lại càng đặt bày ra đủ thứ chuyện như ông Quỷ Cốc Tiên Sinh có nhiều vợ, rất nhiều con, đúng là người ngoài trái đất đến … 
          Thực ra, ông là một người lùn bẫm sinh, cao khoảng 85 cm, hơi khác người thường một chút. Thấy hoàn cảnh kinh tế của ông khó khăn do gia đinh nhiều con cái, một người anh em rể đã nghĩ ra cách nầy để giúp ông có tiền phụ gia đình. Tôi biết rất rỏ về ông, vì ông là họ hàng, bà con thân thích của tôi. Ông ở làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, họ Hoàng. Khi nói đến thầy Lùn thì mọi người ở Gio Linh không ai mà không biết, kể cả một số người ở Cam Lộ, Triệu Phong, Hãi Lăng. “Có tật thì có tài”, Thầy Lùn cũng biết rất nhiều việc, mặc dù không học trường lớp nào cả nhưng y thuật của ông cũng khá. Ông chửa bênh cho rất nhiều người qua khỏi bằng y thuật của ông với thuốc Bắc và thuốc Nam tự bào chế. Bênh thương hàn, bênh lỵ, sốt rét, gảy xương, trúng đạn…, ông đều chửa lành. Trước năm 1954, ở vùng thôn quê làm gì có trạm xá, nhà thương để cấp cứu khi có chuyện xây ra, người ta thường hay đến những ông thầy lang làng mà thôi. Đến ông chửa là hy vọng, trừ trường hợp nguy kịch hoặc quá hiệm nghèo ngoài khả năng của ông . Ba tôi có lần bị quân Pháp đi lùng, ông chạy bị bắn , viên đạn xuyên qua đùi, nứt xương, ông chửa ba tháng thì lành. 
          Ông có hai đời vợ, cả thảy năm người con, đứa con của vợ đầu nay đã gần 70 tuổi, không lùn, vợ sau bốn đứa, hai nam, hai nữ, hai nữ vẫn bình thường; còn hai nam thì giống ông như đúc. Ông mất năm 1963, hai người con lùn của ông là Hoàng văn Hoá và Hoàng Văn Tạo, sinh ra đã mang “zen” di truyền của ông rồi nên cả hai ông chiều cao cũng khiêm tốn, khoảng trên dưới 80 phân. Cho đến bây giờ, ông Hoá đã trên 60 tuổi, ông Tạo chừng 58 và ông Tạo đã mất nay chừng vài năm do bệnh hiểm nghèo. Hai ông có trí nhớ rất tốt, thông minh và rất khéo tay. Sự đi lại của hai ông hơi khó khăn, khi cần việc đi đâu xa phải có người cỗng. Cố gắng lắm hai ông mới học hết cấp hai. Lúc nhỏ, hai ông phải tự học bằng cách nghe và nhìn người khác đọc và viết chữ cái, các ông làm theo, hoặc mượn vở của người khác về học, dần dà biết đọc, biết viết rồi khi đó mới xin vào học lớp hai, lớp ba…Khi chiến tranh kéo đến trên quê hương, phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ quê hương làng xóm mà chạy do đó sự học của hai ông cũng bị hạn chế vì thiếu thốn mọi bề. Hai ông cũng đã đọc và tham khảo sách vở về chửa bệnh do bố để lại nên hai ông cũng đều biết chửa các bệnh thông thường cho mọi người: biết châm cứu, chế ra loại thuốc xoa bóp rất hiệu nghiệm. Ai trúng gió, rắn rết cắn, sái gân, trặc xương đều nhờ đến hai ông cả. Các ông rất khéo tay, làm được cối xay lúa, đan thúng, mủng, dần, sàng (dụng cụ phục vụ nhà nông) rất đẹp và tinh xảo; biết làm thơ, ngâm thơ, khảy đàn độc huyền, thổi sáo; kể cả xem bói, đoán tướng số, giải bói Kiều đều giảng giải hợp tình, hợp lý được mọi ngươi khen. Nói chung, việc gì các ông cũng làm được cả, ngoại trừ những việc nặng nhọc ngoài sức lực và khả năng của hai ông. 
          Có một điều đáng nói ở đây là hai ông được mọi người thương mến bởi hai ông biết thương mến và giúp đỡ mọi người trong khả năng tự có của hai ông, thậm chí có những việc như trông nhà, giữ con cho người ta ông cũng hoan hỷ làm. Ông anh cả của ông Hoá, ông Tạo ở tận thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận, còn hai ông thì ở tại quê nhà nhang khói chăm nom mồ mả, bàn thờ tổ tiên, thỉnh thoảng cũng gởi tiền về giúp đỡ hai ông. Tuy nhiên điều cốt yếu là hai ông tự xoay xở để kiếm sống là chính. Sau năm 1975, hồi cư về quê sinh sống, ông đan từng cái quạt, từng cái thúng cái sàng, cái nia để bán hoặc đổi gạo hay những thứ cần dùng khác, ai cần thì đến lấy, đưa cho hai ông ít ký gạo, ít ký khoai, con cá hay ít chục đồng, hai ông cũng không tính toán thiệt hơn. Thay vào đó, họ có thể giúp hai ông đào ao thả cá, cỗng đi đâu đó khi hai ông cần, hay cày bừa cấy ruộng cho hai ông (chính quyền có cấp cho hai ông bốn sào ruộng) chẳng hạn. 
          Hai người em gái của hai ông là cô Khá và cô Vượng. Cô Vượng lấy chồng làng bên, còn cô Khá thấy hoàn cảnh hai anh em tật nguyền và mẹ già không ai nuôi, cô không đành lòng bỏ mặc cho họ bơ vơ nên đã tự nguyện hy sinh đời tư mình ở vậy để giúp đỡ mẹ và hai anh. Thấy như vậy thiệt thòi cho em, hai ông khuyên cô nên lấy chồng để sau có người chăm sóc khi về già hoặc “xin” “ai đó” một đứa con để nuôi. Thế là cô Khá “xin được” một đứa con trai, bây giờ cũng đã có cháu nội. Mẹ hai ông Lùn đã qua đời, hai ông ở với em và cháu gọi hai ông bằng cậu, mặc dù thiếu thốn mọi bề nhưng rất đầm ấm, cả nhà hẩm hút nương tựa nuôi nhau sống qua ngày. Bổng một hôm, ông Tạo đổ bệnh viêm phổi rồi qua đời làm cho ông Hoá buồn rầu thương em mãi không nguôi. Ông Hoá nhớ lại trước đây, làm gì cũng hai anh em; ăn, ngủ ,đan thúng, anh vót tre, em đan; đóng cối xay, anh làm xăm, em làm niền, giờ ngó lui, nhìn tới một minh ông Hoá lủi thủi. Cái giường hai anh em ôm nhau nằm ngủ giờ bên cạnh một khoảng trống, làm sao không buồn nhớ cho được. Nói đến, nghĩ đến là ông Hóa nghẹn ngào chảy nước mắt. Thời thế càng ngày càng văn minh,, những dụng cụ bằng tre do hai ông làm không thể cạnh tranh với đồ nhựa vừa đẹp vừa rẻ tiền; những cái quạt hai ông làm trước đây không đứng vững so với quạt điện khi điện khí hoá nông thôn, nhưng cũng may có chính sách của nhà nước hổ trợ cho những người tàn tật nên cũng đỡ cho ôn và mẹ con bà Khá phần nào. 
          Tư chất của các ông Lùn đều rất thông minh lanh lẹ, khéo léo bởi như câu người xưa nói : “có tật thì có tài”, nhưng dù có tài gì đi nửa, cái thân thể không bình thường nó hạn chế hết tất cả mọi hoạt động với lại nghèo khó nên không phát triển được. Chiều cao tối đa của hai ông Hoá, Tạo khoảng 90cm, hai chân và hai tay rất ngắn, hơi cong nhưng rất mềm mại, thân hình cũng hơi ngắn, duy chỉ có cái đầu thì bình thường như mọi người. 
          Các ông cũng tin vào nghiệp báo của đạo Phật nên sống rất đạo đức và cố gắng làm tất cả những việc thiện. Cuộc đời của hai ông Hoá, Tạo rất kham khổ mặc dù hai ông tự cố vươn lên chính hoàn cảnh của mình nhưng hoàn cảnh và thời thế không làm cho gia đình khấm khá lên được; nghèo vẫn nghèo, khó vẫn khó. Biết thế, hai ông vẫn sống vui vẻ, cỡi mở chấp nhận số phận của mình, không kêu ca hờn oán hay trách móc chi. Hai ông luôn gắn bó, hoà đồng do ơn nghĩa và sự đùm bọc của mọi người. Bởi thế, hai ông được bà con họ hàng thân thuộc, làng nước yêu thương, giúp đỡ, quý mến ./-
                                                                                    HKL

Không có nhận xét nào: