Có từ lúc nào chẳng ai để ý tìm hiểu mà biết
được. Nhưng có thể từ lúc khai thiên lập địa, khi có loài người, thì đã có rồi,
để cho con người xử dung. Sự hiện hữu của cây chuối cũng như sự hiện hữu của mọi
sinh thực vật trên trái đất nầy đều được con người khai thác triệt để, tận dụng
để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống
Cây chuối là loại thực vật có nhiều công
dụng đối với đời sống của con người, nhất là người nông thôn Việt Nam. Đối với
người dân quê Việt Nam, cây chuối đã bao đời gắn bó mật thiết với cuộc sống của
họ. Không có một nhà nào mà trong vườn nhà – dù nhỏ hẹp đến đâu – mà không có một
bụi chuối. Có nhà trồng từng đám, có nhà trồng quanh vườn.
Chuối có nhiều giống loại: chuối mật mốc,
chuối xiêm, chuối cau, chuối lùn, chuối già hương, chuối bơm, chuối chà, chuối
sứ, chuối tiêu, chuối đá (chuối hột, hột cứng nên gọi là chuối đá)…, mỗi giống
lại có thêm hai ba loại khác nhau nữa. Đa phần người ta xử dụng trái để làm thực
phẩm là chủ yếu. Trái chuối chính của mỗi loại đều có hương vị đặc trưng khác
nhau nhưng tất cả đều rất bổ dưỡng.
Trước hết, nói về công dụng thực tế của
chúng, trong tín ngưỡng dân gian hay tôn
giáo, người dân Việt Nam hay dùng chuối – nhất là chuối mật mốc (chuối xiêm) để
thờ cúng ông bà, tổ tiên, thần thánh. Trong cúng giỗ,tết nhất, ma chay, người
ta tìm chọn cho được nãi chuối đẹp để về chưng lên bàn thờ. Không có chuối là
không yên lòng.
Vấn đề thực phẩm, trái chuối chính có rất
nhiều chất bổ dưỡng , hoa chuối (báp chuối), trái chuối non, thân chuối (chuối hột, thân rất mềm), nấu canh với
cá đồng thì ngon hết chỗ chê ; trái non ăn sống với bê thui, bò nhúng ai bảo dở?
Có người làm giàu nhờ chuối . Nếu đất đai
rộng, trồng chuối cung cấp cho các nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm (chuối
bơm) xuất khẩu, xuất khẩu chuối trái ( chuối già hương, chuối ba lùn), đó là vấn
đề kinh tế. Trong y học, trái chuối hột (không phải chuối sứ) trị được bệnh sỏi
thận, mỗi ngày chỉ cần thường xuyên ăn vài trái chuối chính thì có thể giảm
đươc nguy cơ mắc một số bệnh. Trong văn
chương, văn học, ca nhạc cũng có hình ảnh cúa cây chuối:
“Đêm phong vũ lạnh lùng có một,
Giọt ba tiêu thánh thó cầm canh.” (Cung Oán Ngâm Khúc)
“ ….
Mấy hàng tiêu gió thốc ngoài hiên.”
(Chinh Phụ Ngâm)
“Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau.”
(Ca dao)
“…Mẹ già như chuối chính cây, gió lay mẹ rụng…”
(Ca từ).
Cây chuối cũng đóng góp vào việc làm rạch môi
trường hay làm đẹp cảnh quan nông thôn…
Đặc biệt có một loại chuối luôn gắn liền với nếp sống hiền hòa của người
dân nông thôn Việt Nam, nhất là nông thôn miền Trung ba tỉnh Quảng Bình, Quảng
Trị, Thừa Thiên. Không một gia đình nào mà không trồng loại chuối nầy. Ngoài việc
làm tăng thêm cảnh đẹp cho ngôi nhà mà
nó còn thực dụng, hữu ích cho mọi nhà. Nhà nào ở nông thôn không có chuối thì
coi như nhà đó không phải là dân thôn quê Việt Nam. Cây chuối nầy, trước đây
không bỏ một thứ gì kể cả gốc của nó. Tuy nhiên, trái nó chính thì không ăn được
vì toàn là hột, không có lấy tí cơm nào, thay vào đó, hột của nó phơi khô, sao,
khử thổ, tán nhuyễn hoặc phơi khô ngâm rượu uống trừ sỏi thận rất hiệu nghiệm.
Đó là cây chuối đá hay chuối hột (trái chính, hột rất cứng nên gọi là chuối
đá), thân nó khi bóc mấy lớp bẹ ngoài thì mềm. Lá chuối dung để gói bánh chưng,
bánh tét, gói bất cứ thứ gì; lá rách, tàu lá, bẹ ngoài, chặt nhỏ bỏ vào chuồng
heo, chuồng trâu, bò làm phân bón ruộng; tàu, bẹ cũng có thể phơi vài ngày làm
dây cột mạ hay cột các thứ khác; hoa, trái non, nấu canh, chế biến các món ăn
trong các bữa ăn. Thân chuối, xắt ngang, mỏng, nhả nhỏ trộn với cám cho gia súc
ăn hàng ngày. Chọn một cây còi (không phải cây con), bóc bỏ vài lớp bẹ ngoài, mềm
và ngọt, xắt mỏng, rửa với nước muối đem nấu canh, ăn sống rất ngon. Trận đói lịch
sử tại Việt Nam năm 1945, dân quê nhờ cây chuối mà bớt chết đói, nhờ thân, gốc
chuối non xào dầu, xào mỡ, nấu ăn, gốc già, cứng thì chặt nhỏ ra từng miếng,
phơi khô đun bếp trong những ngày giá lạnh.
Bây giờ, cây chuối không đắc dụng ở nông thôn
như ngày nay nữa. Nhưng cây chuối vẫn luôn hiện diện gắn bó keo sơn với nông
thôn không thể tách rời. Thôn quê không có cây chuối thì không phải thôn
quê Nhớ lại ngày xưa, lúc còn đi học
Tiểu học và Trung học đệ nhất cấp (khoảng thời gian từ 1957 đến 1964), đã trên
dưới 50 năm, ở thôn quê, nhà nghèo, đi học xa, học ngày hai buổi, phải ở lại
trường buổi trưa; cha mẹ không có tiền cho ăn hàng, phải bới cơm theo để ăn
trưa. Năm giờ sáng, thức dậy, ra vườn níu ngọn lá chuối (chưa rách) xuống, cắt
khoảng hai gang tay và một miếng nhỏ, vào bếp hơ trên lửa cho vừa chính đều để
lá dai, trải ra mâm, bới vài chén cơm độn khoai khô mẹ đã dậy sớm nấu sẵn, đổ
vào in lại lúc còn nóng. In bằng quyển vở để dễ ôm, kèm theo miếng nhỏ
gói muối mè, muối ớt sả, muối đậu phụng hoặc tép khô rang hay cá khô nướng chẳng
hạn để vào trong gói cơm. Thế là có một bữa trưa cùng các bạn quay quần nhau ăn rất vui vẻ ngon lành. Sáu bảy
năm trời như thế…
Đó, chuối cũng góp phần vào việc học
hành cho học trò nghèo thôn quê. Chuối còn làm tôn thêm vẻ đẹp cảnh quan. Trước
ngõ, bên hè nhà có một bụi chuối, cây thì ra hoa, cây thì có buồng thòng xuống
(có loại chuối, một buồng có đến trên 100 nải ( nhánh), có loại có đến 100 bắp),
cây con thì lá xanh nghiêng qua lắc lại trong gió làm cho cảnh nhà thêm đẹp đẽ
đậm nét thôn quê.
Sự đắc dụng của cây chuối, con người chỉ
biết lợi dụng nó trong cuộc sống mà chẳng mấy ai có một lời đề cập, tán thán
hay cảm ơn sự cống hiến vô điều kiện của nó. Thật đáng buồn thay !!!
Hoàng Kim Liên
3 nhận xét:
CHIỀU CHỦ NHẬT THANH THẢN BÁC KIM LIÊN HÍ!
http://i728.photobucket.com/albums/ww290/mathias_42/4a0f9e6c_191a77fc_6gwakv4.gif
Rất cảm ơn Phú Đoàn đã ghé thăm. Chiều nay đi viếng đám tang mẹ của Đỗ Việt Hoài.
Rất cảm ơn Phú Đoàn đã ghé thăm. Chiều nay đi viếng đám tang mẹ của Đỗ Việt Hoài.
Đăng nhận xét