CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

KÝ SỰ YÊN TỬ






         Hoài bảo mà chúng tôi đang ấp ủ bấy lâu nay là có được một chuyến chiêm bái, tham quan các thánh tích Phật giáo ở miền Bắc. Nhất là núi Yên Tử - nơi đã khai sinh ra phái Thiền Yên Tử và phái Thiền Trúc Lâm yên Tử - cái nôi của Phật Giáo Việt Nam, đã một thời thịnh hành nhất trong lịch sử Phật giáo nước nhà. Đã chuẩn bị từ lâu, bây giờ duyên đã đến.

            Tháng bảy, năm giờ sáng, trời vẫn còn sớm, ai trong chúng tôi cũng lo lắng chuẩn bị đến điểm tập trung. Châu Đức, tập trung tại nhà anh Võ Hữu Khiên ở Ngãi Giao; Xuyên Mộc chờ ở chùa Viên Hưng. Xe đưa anh em Châu Đưc qua và điểm khởi hành tại chùa Viên Hưng, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc. Tại đây, chúng tôi kiểm tra lần chót tất cả mọi mặt từ tiền bạc, dụng cụ cá nhân, đồ dùng tập thể như soong nồi, chén bát…
            Đoàn gồm có 14 thành viên chính thức và một tài xế. Bàn bạc trong chốc lát, anh em đồng ý mời:
-          Sư cô Thích Nữ Nhật Hạnh làm cố vấn cho đoàn
-          Anh Tâm Chế - Võ Hữu Khiên làm trưởng đoàn, điều động, sắp xếp và theo lệnh của anh.
-          Anh Thiện Thọ - Nguyễn Văn Lộc làm thư ký kiêm hướng dẫn viên (vì anh Lộc đã có đi một lần trước rồi).
-          Chị Diệu Ân – Trần Thị Như Ý làm thủ quỹ kiêm luôn ẩm thực. Và những thành viên khác là:
-          Tâm Hoài – Võ Văn Thọ
-          Tâm Sáng – Trương Trắc
-          Tuệ Hòa – Trần Bình
-          Tâm Minh – Lê Tất Đính
-          Nguyên Công – Hoàng Xuân Lập
-          Tâm Mẫn – Hoàng Văn Ngôn
-          Tâm Anh – Trương Ngọc Hùng
-          Không Phiên – Nguyễn Thị Liền
-          Tâm Triển – Hoàng Kim Liên, trách nhiệm ghi lại tất cả những hình ảnh về cuộc hành trình chuyến  chiêm bái, tham quan thánh tích Phật giáo nơi đoàn đến. Hành trình tham quan chiêm bái dự trù cả đi lẫn về trong mười ngày. Bắt đầu từ 02 tháng 7 năm 2004 (17.6 năm Giáp Thân) do Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức nhưng những thành viên trong Ban Hướng Dẫn không được đầy đủ vì một lý do nào đó không tham gia được. Vấn đề tiền bạc, Sư Cô Nhật Hạnh tài trợ cho một phần tiền xe, còn lại mỗi người đóng một triệu đồng, trong đó, tiền xe còn thiếu, tiền ăn, tiền ngủ, tiền mua các thứ lặt vặt, tiền vào cổng… Mười ngày chi phí vượt hàng ngàn cây số mà mỗi người chỉ một triệu đồng, thời giá lúc nầy làm sao đủ được. Nhưng với ý chí quyết tâm, mọi việc có thể ổn cả. Cầu nguyện Chư Phật gia hộ cho hành trình của chúng tôi thành công mỹ mản.
Đúng 06 giờ, đoàn bắt đầu khởi hành từ chùa Viên Hưng, đi về phía Phước Bửu, theo quốc lộ 55 để đến ngã ba 46 ra quốc lộ 1 và nhắm hướng Bắc tiến. Khoảng 8 giờ 30, xe tạm dừng chân ở đạ phận bắc Bình Thuận, gằn giáp ranh Ninh Thuận để nghỉ ngơi, uống nước, mua một ít bắp tươi chính lên xe ăn cho vui. Vừa ăn, vừa hát hò vui vẻ. Ra Cà Ná, một lần nữa xe dừng lại nghỉ chân ven đường. Chỗ phong cảnh hữu tình, núi sát biển, núi non hùng vĩ, biển cả bao la, sóng vỗ rì rào. Vài quán ăn, quán nước trông ra biển, vừa ăn uống vừa ngắm biển thật là thú vị.
Dự tính xe chạy tối đến đâu dừng chân ngủ ở đó. Ra đến Phú Yên, trời bắt đầu mưa và cũng nhá nhem tối, thế nhưng tài xế vẫn cố gắng tranh thủ chạy nốt đến 9 giờ tối mới dừng lại một nhà nghỉ. Nhìn bên ngoài cũng bề thế lắm thế nhưng có lẽ giờ nầy không ai mướn nữa nên trên tầng 2, ba phòng chúng tôi chỉ thuê có 180.000 đồng một đêm. Đêm nay, ngoài trời mưa và rét, thời tiết hơi lạnh. Hai chị nữ, Thủy và Liền chuẩn bị bữa ăn tối đạm bạc, mì chay ăn liền, rau dưa gì đó qua bữa. Ai nấy đều mệt nhọc vì đi xe nên có lẽ ngủ rất ngon. Bốn giờ sáng, tất cả đều thức dậy, vệ sinh cá nhân, thu dọn hành lý, đồ đạc, trả phòng và lên đường cho kịp. Trên xe, những bài hát truyền thống Gia Đình Phật Tử quen thuộc được cất lên một cách vui vẻ, ấm áp.
Chuyến đi hôm nay, cũng trên đoạn đường từ Bà Rịa Vũng Tàu ra Trung nhưng trong lòng khác với những chuyến đi về thăm quê hương. Trong lòng có vẻ thanh thản hơn, nôn nao và hy vọng hơn, không ẩn chứa những phiền toái lo âu nào cả. hân hoan vui vẻ hòa nhập với nhau và như trẻ lại mặc dù không ai dưới 55 tuổi.
Cũng dừng lại bên vệ đường một quán café nghèo sau hai tiếng đồng hồ chạy từ nhà nghỉ ra. Mỗi người gặm một ổ mỳ đường, nhấp một ngụm café bốc khói, tuy không sang nhưng tâm tư thì thật ngọt lịm.
Mười giờ ngày 03 tháng 7 năm 2004 (18.6 Giáp Thân), chúng tôi đã có mặt tại đĩnh đèo Hải Vân, trên xe lúc qua địa phận Hòa Phát, chúng tôi, ai nấy đều xoay người về hướng Đông để nhìn cho thấy được tượng Phật Thích Ca lộ thiên, khổng lồ ngồi tham thiền, cao gần 30 mét, làm bằng xi măng cốt thép mà cách đây trên 30 năm – chúng tôi là Phật tử - không ai mà không một lần đến đây để viếng thăm. Trên đĩnh đèo Hải Vân, nhìn ra biển bát ngát mênh mông sóng vỗ; nhìn lên núi trùng trùng điệp cây cối xanh um, giữa thiên nhiên bao la hùng vỹ, con người quá nhỏ bé trong kiếp phù sinh.


Xe bắt đầu đổ đèo Hải Vân, qua những khúc cua ngoằn ngoèo như rắn lượn, chẳng bao lâu đã đến địa phận Lăng Cô, đi trên chiếc cầu mới xây dựng nối thông qua đèo bắng con đường hầm mới khoan dành cho xe cơ giới bốn bánh trở lên. Đến chợ Lăng Cô, đoàn dừng chân tại nhà chị của anh Bạch Hoa Mai – Huynh trưởng, đang định cư tại Mỹ, ăn cơm trưa, nghỉ ngơi trong chốc lát rồi lên xe tiến về Quảng Trị. Chúng tôi đi ngang qua Huế, thành phố cổ  kính, hiền hòa nằm bên bờ sông Hương thơ mộng. Ngồi trên xe đang chạy, nhìn sự sinh hoạt tấp nập hồn nhiên của phố thị: một cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp, một Phu Vân Lâu chứng tích của cuộc đời, của lịch sử hay một chiếc đò xuôi mái trên sông nghe như có âm thanh vang vọng của khúc hát Nam Bình, lòng cảm thấy bồi hồi nhung nhớ một thời vàng son…
Đang còn miên man với giấc mộng quá khứ thì xe đã đến Mỹ Chánh – địa đầu phía Nam của Quảng Trị; rồi Đại lộ Kinh Hoàng của mùa hè đỏ lửa năm 1972, nơi mà không một người dân Quảng Trị nào – đang sống tại Quảng Trị thời đó – không khỏi rùng minh, ghi đậm trong tâm khảm một dấu ấn khó phai.  Đã hơn 30 năm rồi kể từ ngày có cái tên “Đại Lộ Kinh Hoàng” đó đến nay, biết bao nhiêu sự thăng trầm biến đổi, khu nhà định cư ngày ấy không còn nữa, những ngôi mộ vô chủ ở nghĩa trang bên đường cũng dần dà tìm kiếm lại, bốc đi, còn trơ một tượng Địa Tạng đứng chờ để cứu vớt cho hết những linh hồn còn lạc loài đâu đó…
Thành cổ Quảng Trị đây rồi. Đoàn gồm có 14 thành viên, đa số là dân Quảng Trị, cho nên lúc này có tâm trạng giống nhau – mặc dù đã có nhiều lần về thăm lại quê cũ – có một cái gì đó man mác ngậm ngùi khó tả dâng lên trong lòng. Xe dừng lại phía Nam cầu Thạch Hãn để một vài anh chị tạt về làng thăm lại người thân, hẹn nhau sáng ngày mai đúng 7 giờ có mặt tai làng Cao Xá, Gio Linh. Quảng Trị trước đây 30 năm, chiến tranh điêu tàn, những bức tường còn sót lại của “Nhà thương” Quảng Trị hay trường Bồ Đề đứng trơ trọi loang lỗ vết đạn bom đã nói lên sự khắc nghiệt của chiến tranh một thời đã qua. Nay dân tình đông đúc, nhà cửa san sát hai bên đường, xe cộ, người buôn bán tấp nập… So với ngày xưa, Đông Hà bây giờ, quá phồn hoa đô hội. Chúng tôi lại dừng chân ở chợ Đông Hà để sắm sửa thêm những vật dụng cần thiết còn thiếu và Sư Cô mua sắm phẩm vật để tặng cho bà con còn thiếu thốn ở làng Cao Xá mà Sư Cô đã phát nguyện trước đây nhân ngày 19.6 Giáp Thân khánh thành tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ở chùa Cao Xá. Ở Đông Hà, Gio Linh cũng có một vài anh nữa tranh thủ thời gian tạt về quê thăm người thân. Vì hôm nay xe của đoàn nghỉ lại làng Cao Xá (quận Trung Lương cũ), ngày mai dự lễ khánh thành và tặng quà cho bà con nghèo ở đây rồi mới tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc.
Đúng 7 giờ sáng ngày 19.6 Giáp Thân, anh em đã tập trung đầy đủ ở chùa Cao Xá. Chùa Cao Xá cách quốc lộ 1 chừng 100 mét về phía Đông và cách cầu Hiền Lương chừng ba km. Chùa tọa lạc trên khoảnh đất rộng chừng 1000 mét vuông, hướng về phía Tây Bắc. Trước cửa chùa có ao sen trắng, hoa nở đúng mùa nên rất đẹp. Đài Quan Âm ở giữa hồ, có cầu bắc qua hai bên bờ. Ở đây cũng có Gia Đình Phật Tử đang sinh hoạt, chừng 30 em, đủ bốn đoàn của ngành Thiếu và ngành oanh. Có lẽ đơn vị nầy còn khó khăn cho nên đồng phục chưa đầy đủ. Thực ra trước đây, Gia Đình Phật Tử Quảng Trị sinh hoạt có tiếng là nề nếp và quy củ lắm nhưng xem ra bây giờ cũng thế thôi. Đạo tràng cũng đông đúc so với một làng quê như vậy. Trước khi cử hành lễ, Sư Cô Nhật Hạnh đã khuyên nhủ, động viên đoàn sinh đôi điều. Anh Tâm Chế, một người đã từng sinh ra, lớn lên ở làng Cao Xá, cũng có lời trao đổi, tâm tình, chia sẻ với huynh trưởng, đoàn sinh rất chân thành, cởi mở. Lễ khánh thành tôn tượng có Thượng Tọa trụ trì chùa Sắc Tứ cùng phái đoàn tỉnh giáo hội và quý Hòa Thượng, Thượng tọa từ các chùa trong tỉnh về tham dự rất trang nghiêm và trọng thể. Đoàn có gặp anh Thi, đại diên Ban Hướng Dẫn Quảng Trị và một số anh chị đại diện ở Gio Linh. Đoàng cũng đã trao đổi, tiếp xúc trong tình cảm đậm đà vui vẻ. Sau lễ, đoàn tranh thủ trao quà cho bà con khó khăn do Sư Cô Thích Nữ Nhật Hạnh phát tâm, mỗi người một xuất gồm gạo, nước tương, mì gói, bột ngọt… trị giá khoảng 100.000 đồng. Buổi phát quà dưới sự chứng minh của Thượng Tọa Chánh Đại Diện Phật Giáo huyện Gio Linh. Anh Tâm Chế đại diện Sư Cô bày tỏ tâm tình cùng bà con: “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, của ít lòng nhiều, xin bà con thông cảm. Lễ lược và phát quà xong xuôi đúng 10 giờ 30.
Xe bắt đầu chuyển bánh… Đây là cầu Hiền Lương, bắc qua sông Bến Hải, chiếc cầu chứng tích lịch sử. Hẹn quay về sẽ dừng lại ít phút. Bây giờ tranh thủ chuyến đi ra, đoàn ghé qua khu di sản thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc hai huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, giáp với Lào, cách thị xã Đồng Hới chừng 50 km về hướng Tây Nam, cách quốc lộ 1 chừng 20 km về phía tây. Phong Nha – Kẻ Bàng có năm động là: Động Phong Nha, động Vòm, động Tiên Sơn, động Thiên Dương và động Đoòng. Theo các nhà nghiên cứu về động trên thế giới thì động Phong Nha – Kẻ Bàng có bốn cái nhất: Sông ngầm dài nhất, cửa hang cao nhất, bãi cát rộng đẹp nhất, thạch nhũ đẹp nhất. Đến địa điểm ban điều hành khu du lịch trên bờ sông Son, chúng tôi phải thuê một chiếc thuyền máy vừa vé tham quan là 25.000 đồng một người. Mọi người trong đoàn xuống thuyền ngược dòng sông chạy về thượng nguồn. Hai bên bờ sông toàn là núi đá trùng điệp nối nhau; nước chảy chậm và đục vì hôm qua có trận mưa lớn ở thượng nguồn. Chúng tôi tuy đã trải qua trên tuổi ngũ tuần, trên đầu ai nấy tóc đã điểm sương nhưng vẫn hát hò vang cả một khúc sông, tâm tư như trẻ lại. Hai mươi phút sau khi thuyền rời bến, chúng tôi đã nhìn thấy một hang động rất lớn. Hang động, cửa hang một nửa dưới nước, một nửa trên đá, chúng tôi ghé vào một bến để nghỉ ngơi. Ở đây một vùng đất bằng rộng có nhà hàng, quán xá, nhà nghỉ, phong cảnh nên thơ và là nơi nghỉ ngơi trước khi leo núi viếng động Tiên Sơn. Tất nhiên hang động trên khó leo nên chúng tôi tranh thủ leo lên trước kẻo trời càng trưa càng nắng nóng và mệt. Đồ đạc nặng nề đều để lại trên xe, khi leo lên động chỉ mang theo nước uống, khăn lau, những dụng cụ gì cần thiết nhất mà thôi. Đường lên dốc có bậc thang hẳn hòi nhưng hơi cao, dốc hơi đứng nên mới leo được chừng hai phần ba đã thấm mệt, mồ hôi nhuể nhoại. Vì từ trước đến giờ chưa từng leo núi. Đứng ở đây nhìn xuống dưới bờ sông và khu giải trí thấy nhà cửa chỉ bằng nắm tay. Nghỉ ngơi ở đó mấy phút uống nước, lấy sức rồi bắt đầu leo tiếp.
Được chừng ½ chiều cao ngọn núi, chúng tôi đã nhìn thấy một cửa hang động lớn, chiều cao ước chừng ba mét, rộng chừng năm mét. Từ bên ngoài nhìn vào, phía trong trên vách động có những hình thù trông rất đẹp và lạ mắt, càng đi vào càng rộng, càng đi vào càng sâu xuống phía dưới. Trong những hốc hẽm, trong những hang, người ta đặt những ngọn đèn màu xanh, đỏ, tím đủ loại cho ánh sáng màu tỏa chiếu vào các hình thù tạo nên bởi thạch nhũ trông thật đẹp mắt, thật lung linh huyền ảo; chỗ giống như Phật Bà Quan Âm, chỗ giống như tiều phu gánh củi, có chỗ giống như ông Lữ Vọng đang câu cá; có chỗ giống như ngai vàng của vua chúa. Thiên nghiên đã tạo nên một bức tranh tuyệt tác không đâu chê được. Trong động không có đèn chiếu sáng, ánh sáng lờ mờ, nhìn thấy nhau nhờ ánh sáng của những ngọn đèn màu phản chiếu, khung cảnh trở nên huyền ảo lung linh lạ thường. Chắc chắn động còn đi sâu vào trong nữa, chúng tôi không đi đủ hết được. Ở trong động ẩm ướt vì nước từng giọt luôn nhỏ xuống từ những cuống thạch nhũ phía trên. Chúng tôi vừa ghi lại một số hình ảnh bằng camera của mình vừa chụp ít phô hình kỷ niệm. Ở giữa động có một khoảng trống rộng chừng 150 mét vuông, bằng phẳng, anh em trong đoàn bắt tay quây vòng tròn, hát to, hát vang mấy bản nhạc sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử. Mặc dù mệt nhọc nhưng anh em ai nấy đều khoan khoái, vui vẻ. Tiếng hát trong hang động vang lên phản lại từ vách động tao nên một âm thanh hùng hồn, vang vọng làm cho khách tham quan trong động đều hướng mắt nhìn theo.
Tất cả anh em đã tập trung đầy đủ ở đây, bây giờ phải ra khỏi động Tiên Sơn – động trên – để đi xem động dưới cho biết. Xuống thuyền anh em ơi, tranh thủ thời gian kẻo chiều rồi! Anh em tập trung xuống thuyền, thuyền nổ máy đưa chúng tôi lòn vào hang dưới. Chung quanh và trên là vách đá dưới là nước. Đường vào rất rộng, có thể chứa được cả trăm chiếc thuyền máy. Từ ngoài cửa động vào đến chỗ thuyền đậu khoảng 100 mét, thuyền chen nhau cập vào một bến nhỏ để khách lên động. Chúng tôi lên bờ để vào bên trong động. Khách tham quan rất đông, càng đi vào, không gian càng lờ mờ, kẻ lên, người xuống rất nhộn nhịp tấp nập. Con sông ngầm nầy còn vào xa hơn nữa nhưng chúng tôi không được vào vì hôm qua mưa lớn ở thượng nguồn, nước về mạnh dâng cao ngập phía trong, sợ nguy hiểm. Chúng tôi lần theo lan can đi vào trong. Trời ơi! Thật là hùng vĩ và đẹp vô cùng, có rất nhiều ngõ ngách, ngõ ngách nào cũng được thiên nhiên trình bày những quang cảnh rất lạ mắt. Những bức phù điêu khổng lồ, phức tạp và rất hùng vĩ. Những hình tượng thạch nhũ thiên tạo lâu đời không có một nguyên tắc quy củ nào, mỗi nơi một khác; mỗi hình thù một khác rất độc đáo: nào là hình muông thú, tượng Phật, long sàng, bàn ghế, trụ cột, hàng trăm, hàng ngàn ngõ ngách như vậy. Ánh sáng lờ mờ phản chiếu nhờ những bóng đèn xanh, đỏ, tím tạo nên khung cảnh thật kỳ bí.
Thế rồi, chúng tôi phải tạm biệt Phong Nha, lên thuyền trở về chỗ Ban Điều hành khu du lịch để tiếp nối cuộc hành trình ra Bắc. Có thể bây giờ là 2 giờ 30 chiều, trong dự định chúng tôi phải đến Hạ Long trước. Trên quãng đường từ Quảng Bình ra, tối đâu sẽ ngủ lại đó, nếu tìm được chùa thì càng hay. Chiếc xe Mesedeces chở 15 thành viên của đoàn bon bon chỉ hướng ra Bắc, qua cầu Quán Hàu, Đồng Hới rồi lên đèo Ngang vào địa phận Hà Tĩnh. Trên xe, mọi người có phần mệt mỏi. Khoảng 18 giờ đến thành phố Vinh của tỉnh Nghệ An. Thành phố đã lên đèn. Chúng tôi không khó khăn lắm, theo sự hướng dẫn của anh Thiện Thọ - đã có lần đi rồi nên biết một vài ngôi chùa ở Nghệ An – chúng tôi đến chùa Cần Linh, một ngôi chùa ở trong thành phố Vinh do một Ni Sư trú trì. Ni Sư Diệu Nhẫn. Chùa nữ, rất rộng. Ni Sư rất mừng, tiếp chúng tôi rất ân cần vui vẻ khi đoàn do Sư Cô Nhật Hạnh dẫn đầu. Chúng tôi thay nhau đi tắm rửa. Ni Sư Diệu Nhẫn diều động người làm công quả trong chùa chuẩn bị bữa cơm chay mời chúng tôi. Diện tích chùa thì rộng nhưng chùa thì chật hẹp. Sau khi ăn cơm xong, chúng tôi xin phép Ni Sư lên điện chùa để lễ Phật. Trong chùa thờ trên 150 pho tượng Phật bằng gỗ, bằng thach cao, bằng xi măng, bằng đá choán gần hết cả điện Phật, bái đường chỉ còn khoảng không gian ngang phía trước chừng 1,50 mét, dài chừng 5 mét. Sau khi bái Phật xong trở ra, ai cũng ngạc nhiên không biết tại sao chùa thơ nhiều tượng như thế. Hỏi ra mới biết, trước đây trong chiến tranh, tất cả các chùa trong tỉnh đều được trưng dụng để làm nhà kho, nhà đội cho hợp tác xã, do đó tượng Phật không biết để đâu nên dồn hết về đây để nhang khói phụng thờ.
Bốn giờ ba mươi, sáng ngày 20 tháng 6 Giáp Thân, tức là 05.7.2004, chúng tôi đều thức dậy sớm, rửa mặt, đánh răng, súc miệng xong, tập trung tại phòng khách của chùa để cảm ơn Ni Sư đã giúp đỡ cho tạm trú đêm vừa qua và nói lời tạm biệt. Anh Thiện Thọ đại diện đoàn cảm ơn, cúng dường một chút tịnh tài đồng thời cầu Phật gia hộ cho Ni Sư và đạo tràng. Ni Sư đáp lời trong sự quyến luyến cảm động và dặn nếu có dịp ra Bắc hãy ghé qua chùa.
Ra cổng chùa, xe đang đứng chờ thì có người đến hỏi thu phí đậu xe. Một điều lạ là đậu xe ngoài đường trước cổng chùa lại thu phí đậu xe. Nhìn lui, nó tới không có bảng niêm yết thu phí đậu, giữ xe. Hỏi người nọ họ bảo thu cho chùa, còn chùa cho biết không bao giờ làm việc như vậy, chúng tôi không trả, lên xe đi về hướng Hà Nội.
Lần đầu tiên ra Bắc, ngồi trên xe nhìn ra cửa sổ, xa thấy quang cảnh mới lạ. Thỉnh thoảng thấy giữa đồng bằng sừng sững nổi lên vài ngọn núi trơ trọi, bơ vơ. Chúng tôi chả biết đi qua tỉnh nào tỉnh nào nữa. Tài xế đã có một vài lần đi rồi có vẻ thông thạo đường nên đã chạy một mạch ra đến Quảng Ninh. Đến một ngã ba, có một bảng chỉ dẫn giao thông đặt bên vệ đường đề: Hải Phòng 20 km theo hướng mũi tên. Gần đó có một trường Trung học Phổ thông, thấy một đám học sinh đang đi sát lề đường, có lẽ tài xế lộn nên ghé sát đám học sinh đang đi, dừng lại hỏi hướng nào đi về Hạ Long. Một đứa trong đám học sinh ấy lắc đầu, một đứa khắc nhìn chúng tôi rồi đưa tay lên lấy ngón cái bật bật vào ngón trỏ, ý nói có tiền thì chỉ cho. Thiết nghĩ, chỉ một số bụi đường thoái hóa biến chất chỉ biết tiền mới có hành động như vậy, chứ đàng nầy là học sinh, có giáo dục mà như vậy thì hết chỗ nói rồi. Đến một đoạn nữa, gặp  mấy bác xe ôm, chắc chắn họ biết. Họ ra giá 20.000 đồng mới chỉ đường. Tài xế cứ theo con đường lớn mà chạy. Thế rồi đến 15 giờ 30 chúng tôi cũng đến được phà Bãi Cháy. Ở Bãi Cháy Hạ Long, đã có số điện thoại của anh chị Phan (anh chị nầy là những Phật tử thân tín với Thiền viện Phổ Chiếu – ở Tân Thành – qua sự giớ thiệu của Quý Sư Cô ở Phổ Chiếu) ra đón, sắp xếp và hướng dẫn cho.
Phà bãi Cháy nằm trên quốc lộ 18, từ km 115 nối Hòn Gai – Bãi Cháy qua eo Cửa Lục với vịnh Hạ Long. Bắt đầu từ km 115 quốc lộ 18 đến ngã ba Kênh Liêm Hạ Long, đoạn eo nầy rộng trên 500 mét.
Đến bãi phà, tất cả người ngồi trên xe đều xuống đi bộ lên tầng trên phà, tài xế được ngồi trên xe ở tầng dưới. Ngồi tầng trên phà, chúng tôi nhìn ra phía vịnh thấy quang cảnh thật nên thơ. Thuyền, đảo, mây, nước nhấp nhô quyện vào nhau như có một điều gì đó gắn bó với nhau vậy. Hy vọng ngày mai có một chuyến tham quan biển vịnh Hạ Long tuyệt vời. Phà cập bến, xuống phà, lên xe chạy đến ngã tư gần đó thì thấy anh Phan ra đón đã chờ ở đó rồi. Anh Phan đưa chúng tôi đến một nhà nghỉ, nhà nầy là của đứa con anh, hôm nay không cho khách mướn mà để dành chỗ cho anh em chúng tôi lưu trú. Phòng nghỉ thuộc loại sang, cách nhà anh khoảng 50 mét. Chúng tôi tắm rửa, thay quần áo rồi tập trung tại nhà anh ăn cơm tối. Trong bữa cơm thân mật giữa vợ chồng anh và đoàn, chúng tôi tâm sự, trao đổi rất chân tình cởi mở. Được biết vợ chồng anh Phan rất mộ đạo, hàng tuần hai vợ chồng thay nhay lên chùa Yên Tử để làm công quả hay tụng kinh, lễ Phật. Biết chúng tôi từ Bà Rịa Vũng Tàu ra Bắc để tham quan di thánh tích Phật giáo, anh chị hết lòng giúp đỡ, chỉ dẫn đường lên Yên Tử một cách rõ ràng. Dự định sáng mai sẽ đi tham quan thắng cảnh Hạ Long. Ăn cơm xong, anh dẫn chúng tôi đi bộ một vòng dạo quanh một phần khu Bãi Cháy, ra bến thuyền hóng mát và xem cảnh sinh hoạt nơi đây về đêm. Một Bãi Cháy – điạ điểm du lịch về đêm rộn ràng mát mẽ - Trong lòng hồi hộp do ngày mai ra biển chơi nên ít ai ngủ được ngon giấc. Có thể bây giờ khoảng 3 giờ sáng, khi mới chợp mắt được ít lâu, một trận gió và mưa như trút nước ào ào đổ xuống càng lúc càng lớn. Đến 7 giờ sáng, điện thoại hỏi khu du lịch xem thuyền có ra biển được không. Họ bảo là không được vì sợ mưa bão. Thế là tiêu tan dự định đi ngắm cảnh vịnh Hạ Long. Đi biển không được thì thôi vậy, ở lại chờ thì vỡ kế hoạch và bây giờ cũng đã 9 giờ sáng rồi. Đang trong cơn mưa, chúng tôi đành tạm biệt gia đình anh chị Phan, tạm biệt Hạ Long. Hẹn ngày gặp lại.
Lên xe qua phà thẳng về Trúc Lâm Yên Tử.

Bây giờ là 11 giờ trưa, ngày 21.6.Giáp Thân, tức là ngày 06.7 2004, chúng tôi đã có mặt tại bãi đậu xe chùa Long Động hay còn gọi là chùa Lân. Năm 1299, vua Trần Nhân Tông cho tôn tạo chùa Lân làm nơi giảng đạo. Chùa có cửa tam quan rất kỳ công, vừa đẹp, vừa mỹ thuật, rất nổi tiếng, do đó có câu so sánh: Nhất cổng chùa Lân, nhì sân chùa Muống, ba ruộng chùa Quỳnh. Chùa Lân bị cháy và hoang phế trong chiến tranh đánh Pháp. Khoảng năm 1978 – 1980, Sư Cô Thích Nữ Đàm Châu có dựng ngôi chùa tạm trên nền chùa cũ. Và năm 2002, Hòa Thượng Thanh Từ trùng tu, kiến thiết lại cũng trên sân chùa cũ. Còn lại một tấm kiếng chùa Lân cũ, đó là dấu tích cuối cùng còn lại.
Sửa sang y phục chỉnh tề, bước lên mấy chục tầng cấp trước cổng chùa. Cổng tam quan chùa nhìn qua có vẻ hơi lâu đời nhưng có lẽ mơi xây dựng cách đây chừng 10 hay 15 năm. Tất cả nhà cửa trong khuôn viên chùa đều còn mới, mái ngói còn đỏ au. Nhà chùa, cốc, am… rải rác, ngôi trên cao, ngôi dưới thấp cách nhau chừng 10 mét và khoảng trên dứi 15 ngôi nhà. Chắc chắn có sự sắp xếp hẳn hòi. Chùa lớn chính giữa trên mặt bằng rất rộng, chùa cũng rất rộng. Cạnh giảng đường, phía sau là nhà tổ, bên phải là nhà trù. Chúng tôi vào gặp thầy tri khách. Thầy cũng đã biết sáng nay đoàn chúng tôi sẽ đến đây vì anh Phan đã điện thoại cho Thầy biết rồi. Thầy đã cho nhà bếp chuẩn bị sẵn cơm trưa. Chúng tôi cũng trình bày ý định sẽ leo núi Yên Tử trong chiều nay. Thường thì người ta lên núi buổi sáng, chiều xuống núi sẽ thông thả hơn. Thầy cũng dặn dò nếu xuống muốn ở lại dưới nầy hãy báo cho thầy biết. Chúng tôi đi tham quan một vòng quanh khuông viên chùa, thấy rất nhiều bia khắc bằng chữ Tàu hoặc chữ quốc ngữ. Bia ghi lại tiểu sử của Trúc Lâm Tam Tổ; quá trình hình thành và phát triển chùa Trúc Lâm, quá trình hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, quá trình tu tập, ngộ đạo của các tổ sư… Chính giữa chùa thờ tượng Bổn Sư rất lớn. Cách trang trí có phần oai nghi và quá đổi trang nghiêm. Chúng tôi thay áo tràng để vào lễ bái. Nhà tổ riêng phía sau, chính giữa cũng rất rộng, thờ tượng tam tổ; trên tường treo mấy bức phú điêu hay bức vẽ hình Điều Ngự Giác Hoàng đang ngồi bên bờ suối thòng chân xuống nước trong veo và bốn câu kệ. Chính giữa, trên tường, phía trên đầu tượng Tam Tổ có đắp một bức hoành lớn, trong đó có năm chữ: “VÔ SƯ TÍ VI TÔN”. Ngoài sân có nhiều cái đĩnh bằng đá, xưa,cổ, những bia đá lâu đời, tất cả đều được phục chế lại.
Một vùng đất rộng khoảng mấy chục mẫu tây dưới chân núi Yên Tử: chùa, nhà tổ, nhà trù, nhà khách, am, cốc đều lợp ngói, mái cong. Chùa có tiền đường, có bái đường rất rộng, có lầu chuông, chánh điện rất cao rộng, nửa như hiện đại, nửa như cổ kính ẩn hiện sau các lùm cây, tán lá trông rất hùng bí mang dáng vẻ sâu kính của Thiền môn. Được biết khu quần thể Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (chùa Long Động) nầy đã được Hòa Thượng Thanh Từ trùng tu, sửa chữa, tái thiết năm 2000, kinh phi lên đến hàng tỷ đồng. Không thể bằng giấy mực cùng một lúc mà tả hết cảnh trí nơi đây được. Sau khi ăn cơm trưa xong, chúng tôi tạm biệt nơi đây để chuẩn bị cho cuộc leo chinh phục Đĩnh thiêng Yên Tử mà mục đích chính trong chuyến hành trình là ở đây. Đi để cho biết cuộc tìm đạo, tu đạo, hành đạo của tiền nhân nó đa đoan, cực khổ như thế nào; sự hy sinh của các Ngài cho việc hoàng dương, duy trì, phát triễn đạo pháp cho con cháu mai hậu noi theo.
Từ chùa Long Động đến chổ cáp treo và bãi đậu xe của khu du lịch Yên Tử (có quán xá và nhà nghỉ) khoảng ba hoặc bốn cây số. Tất cả hành lý đều để lại trên xe, chỉ đem theo những thứ cần thiết như nước uống, thức ăn khô, nhẹ… Chúng tôi đi bộ đến cầu suối Giải oan thay đồng phục Gia Đình Phật Tử, mỗi người tìm cho mình một chiếc gậy.
Suối Giải Oan, người ta kể rằng, sau khi truyền ngôi cho con, vua Trần Nhân Tông lên làm Thái thượng Hoàng song, tuổi còn chưa cao nhưng Ngài đã sớm nhận ra cuộc sống luôn vô thường nên Ngài đã ra đi, giấu không cho ai biết, Ngài lên núi Yên Tử, tìm nơi u tịch để tu hành, mong muốn tìm một cuộc sống an lạc, thoát khỏi cảnh vô thường, đau khổ kiếp làm người. Khi biết được Ngài ẩn tu ở đây, mấy chục cung nữ tìm đến để xin Ngài trở về. Bị Ngài từ chối và đuổi về, họ về đến suối nầy nghỉ lại qua đêm, không may đêm ấy trời mưa to quá, nước cuốn trôi họ đi, số còn lại thì buồn tình đập đầu vào đá mà chết. Đức Giác Hoàng biết được, làm lễ cầu siêu, giải oan cho họ tại đây nên suối có tên là Suối Giải Oan. Ngài còn lập một ngơi chùa để thờ cũng có tên là chùa Giải Oan. Câu chuyện được truyền lại như vậy.
Được biết núi Yên Tử cao 1068 mét so với mặt nước biển cũng thuộc dãi núi Đông Triều, thôn Nam Mẫn, xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Núi Yên Tử là đất Tổ Phật Giáo Việt Nam. Trên đỉnh núi luôn có mây trắng che phủ nên gọi là Bạch Vân Sơn. Chiều dài từ chân núi (chổ suối Giải Oan) lên chùa Đồng là trên 6000 mét, cách Hà Nội 30 km.
Mỗi người tìm cho mình một cây gậy bằng tre, gỗ gì đó cầm tay và: Sẵn sàng! Lên đường. Mọi người chưa ai hình dung được đoạn đường phải leo dài bao nhiêu, khó khăn như thế nào, chỉ biết bây giờ là 12 giờ 30 , cuộc hành trình leo núi Yên Tử trong sự quyết tâm cao độ của mọi người trong đoàn. Người vất vả nhất có lẽ là Tâm Triển, bởi vì Tâm Triển có nhiệm vụ ghi hình nên đôi lúc phải lên trước rồi xuống sau, qua phải, qua trái và cũng là người lên đầu tiên. Lúc đầu dốc còn thấp, chúng tôi men theo con đường mòn và cũng có lẽ con dốc mòn này có cách đây hành ngàn năm trước mà Đức Điều Ngự Giác Hoàng đã từng đi lên, đi xuống. Dốc có bậc thang cấp bằng đất, có chỗ bằng đá, có chỗ rộng hai mét, len lỏi trong rừng cây già. Càng lên, dốc càng cao hơn. Gần lối dốc mòn, có một khoảng đát rộng, trốn, bằng độ 100 mét vuông, để xóa tan đi cơn mệt nhọc, chúng tôi nắm tay nhau quay vòng tròn cùng nhau hát to, hát vang bài: “Chúng ta là chim bốn phương bay về đây…”. Sư Cô Nhật Hạnh cũng hòa nhập với chúng tôi trong vòng tròn và điệu hát ấy. Cũng may, hôm nay trời âm u, không mưa, không nắng. Lâu lắm rồi, chúng tôi không ai đi bộ xa hay leo núi hư thế này nên mới lên được một tiếng đồng hồ mà ai cũng thấm mệt, mồ hôi nhuễ nhoại, thở mệt nhọc. Nghỉ ngơi độ 15 phút, chúng tôi lại lên đường. Đoạn đường dốc này đặc biệt hơn, bậc thang đi lên là những rễ cây tùng mà gười ta gọi là đường Tùng. Hai bên đường là những cây từng cổ thụ to khoảng hai người ôm, cao chót vót. Các vị tiền bối đã trồng cách đây bảy tám trăm năm. Anh Thiện Thọ đi lần trước cách đây bốn năm có một bài thuyết minh chuyến đi đó nên vừa đi anh vừa đọc lại xuất xứ của đường Tùng nầy. Chúng tôi vừa bước lên vừa nghe cho quên đi nỗi mệt mỏi. Tiếng thông reo vi vu hòa lẫn với tiếng ve rừng, tiếng xào xạc của lá cây tạo thành một âm thanh là lạ. Có chỗ đường rộng trên ba mét, có chỗ lát đá chẻ, sau này người ta mở rộng ra để cho khách thập phương lên chùa Đồng tham quan, thăm viếng. Hai bên đường thấy có đào mương, đỏ gạch chuẩn bị làm một công trình gì đó. Từ chân núi đi lên chùa Hoa Nghiêm đã có cáp treo. Chúng tôi không đi cáp treo vì muốn trông thấy tận mắt tất cả những di tích mà Đức Điều Ngự Giác Hoàng cùng các vị Tổ đã để lại. Hết đoạn đường Tùng, đoàn lại tiếp tục lên dốc cao hơn, đến một ngã ba, có một bảng chỉ đường, theo mũi tên. Phía tay trái là đường lên lối Trúc; phía tay phải là đường lên chùa Hoa Yên (hay Vân Yên). Bảng thì chỉ vậy nhưng có lẽ còn xa. Đi một quãng nữa thì đến chùa Giải Oan. Các cung nữ bị oan uổng nên Đức Giác Hoàng dựng chùa ở đây để cho các vị nương nhờ kinh kệ mà sớm siêu thoát. Chùa xây dựng theo lối cổ, ở đây cũng có một số tháp cỡ nhỏ, rồi đến chùa Hoa Yên, vùng nầy rộng hơn khoảng gần 1000 mét vuông, phía trước và giữa có có một tháp miếu, bên trong thơt Đức Giác Hoàng. Tháp và tượng đã quá lâu đời chưa được trùng tu , phục chế. Chúng tôi thắp mỗi người một cây nhang, chấp tay ngang ngực đi nhiễu quanh tháp ba vòng và đãnh lễ để tỏ lòng tri ân và kính ngưỡng. Quanh tháp miếu nầy có khỏang 6 tháp vừa và phía đằng sau có hơn 20 tháp nhỏ sắp theo từng hàng.
XXXXXXXXXXXXXXXXX
Có lẽ từ xưa, có nhiều vị tu hành và tịch ở đây, nhục thân đã được nhập trong các tháp nầy. Rồi chúng tôi lại tiếp tục theo con đường bậc thang, có đến hơn 50 bậc cao lên chùa Hoa Yên. Chùa Hoa yên tọa lạc trên sườn núi, một quần thể gồm bốn năm ngôi nhà, mái cong, mới lợp, ngói còn đỏ, có gắn Long Giao. Nhà hơi thấp, chiều ngang thì dài mà chiều sâu lại ngắn, bên trong thờ rất nhiều tượng. Tượng được sơn thiếp rất bóng láng. Nổi bật là tượng Tiêu Diện và tượng Hộ Pháp có nhiều màu sắc sặc sỡ. Tất cả các thành viên trong đoàn đều đến trước chánh điện đẽnh lễ.
Chùa nào cũng kiến trúc theo lối ngang, có từ ba đến bảy gian, cữa văn khoa. Phía ngoài sân, góc trái có một cây sứ, hoa trắng, cây rất lớn, năm nghiêng, da u nần, sần sùi có niên đại 700 năm (có bảng ghi lại). Chúng tôi lại tiếp tục lên đường, giờ đây dốc càng lúc càng cao hơn nữa. Đặc biệt có một đoạn đường dốc lát đá, nước từ trên dốc chảy xuống tràn ra cả một đoạn đường, tiếng nước chảy kêu róc rách lạ tai. Ngồi nghỉ lại ít phút, nghỉ ngơi, rửa ray để tận hưởng sự mát lạnh của nước núi trong đá tuôn ra. Và đây là chùa Một Mái – chùa không có nóc, bên trên tựa vào vách núi đá, dưới có cột chống, một mái ngang gồm năm gian, hẹp, cũng thờ nhiều tượng. Sau khi đãnh lễ Phật xong, tiếp tục cuộc hành trình kẻo trời đã về chiều mà đường thì còn xa. Khi đã thấm mệt, ai cũng hỏi Thiện Thọ còn bao xa? Sắp đến chưa? Đứng đây nhìn xuống dưới chân núi, chỗ chúng tôi đã xuất phát, đường sá, nhà cửa chỉ bằng sợi chỉ, ngón tay; đứng đây nhìn lên thì toàn cây cối và núi còn cao. Trời như sẫm tối lại. Nhìn đồng hồ thì mới có 4 giờ rưỡi chiều. Con đường lên chùa Bảo Sái có vẻ gian nan, hiểm trở, dốc cao, có đoạn phải đi cả hai tay. Tâm Mẫn vừa cười vừa nói: “Nào chúng ta cùng bò”. Thấy Cô đi cả hai tay vừa mỏi, mệt nhưng Cô luôn vui vẻ, cố gắng leo núi, mọi người rất cảm phục và kính mến. Nguyên Công phải dìu Cô. Đến một doạn đường hơi phẳng, đang đi, Cô dừng lại nhì mọi người tươi cười nói: “Bây giờ thấy không? Thấy Cô có khỏe không?”. Có người lên tiếng: “Bây giờ thì Cô quá khỏe rồi!”.
Đây rồi, đây là chùa Bảo Sái, chùa nằm cheo leo trên sườn núi, cũng lối kiến truùc như những chùa khác. Bên trong cũng thờ rất nhiều tượng. Đây là chỗ đặc biệt nhất, vì được kể lại rằng: Trước khi thị tịch, tổ bảo với các đệ tử rằng, tất cả mọi người hãy đi khỏi nơi nầy, sau ba tháng nếu nghe mùi thơm thì  hãy đến. Ba tháng sau, quả nhiên có mùi thơm tỏa ra khắp vùng, tất cả đệ tử của Ngài tập trung đến thì thấy một con hỗ ngồi chầu một bên, nhục thân của Ngài bị một cây măng trúc mọc xuyên qua. Ở đây có   một viên đá lớn dài chừng 80 cm, có hình giống bàn chân người. Người ta tạc tượng Ngài nằm thị tịch bên một con hổ chầu, có các đệ tử ngồi chung quanh để thờ. Không gian nầy ở phía sau chùa. Trên vách núi phẳng, đứng như xây, có dựng một tượng Quán Thê Âm trên cao. Đặc biệt ở đây có một cây đại thụ 900 năm tuổi. Chúng tôi hành lễ nơi thờ tượng nhập diệt của Ngài xong, tiếp tục cuộc hành trình sau khi chụp vài tấm hình lưu niệm. Từ chùa Bảo Sái đi lên đường càng lúc càng dốc hơn, hiểm trở hơn. Coù chỗ, người ta  làm cho mấy đoạn lan can để vịn mà bước lên. Đến đây Thiện Thọ thay Tâm Triển ghi hình, mặc dù máy quay phim nhẹ cầm đưa tay mãi mỏi rả tay, hơn nữa quay phim thì phải chạy lui, chạy tới, đi trước, lên sau rất mệt. Đi thêm một đoạn nữa thì hết cây cao, to,còn lại cây thấp và nhỏ lồng vào giữa rừng trúc. Trúc cũng thấp không quá đầu người. Đứng đây nhìn xuống không thấy gì cả vì bị mây mù, hơi đá bốc lên che kín, trời đất như sắp tối sẩm lại, gió như bắt đầu thổi và se se lạnh, đi lên đoạn nữa thì thấy toàn lau lách và đá. đá từng cục lớn, đường ít dốc hơn, rồi có đoạn soai soải. Đến một đoạn, mặt đường tương đối trống trải hơn, xa xa trông thấy một cột đá cao chừng ba mét, giống như một người trùm khăn, mặc áo rộng đứng nhìn về phía chúng tôi. Chúng tôi đang lách từng cục đá đi lên. Thiện Thọ reo lên: Đến tượng An Kỳ Sinh rồi. Tương truyền rằng : An Kỳ Sinh là một vị lương y giỏi. Ông cố gắng leo lên núi tìm hái dược liệu về bào  chế thuốc cứu người, không may bị chết mà chí nguyện chưa thành nên hóa đá đứng ở đây. Phía sau tượng là nhà bán đồ lưu niệm. Chúng tôi chụp hình trước tượng An Kỳ Sinh rồi mua một vài món quà lưu niệm rồi tiếp tục đi lên núi. Trời bây giờ như tối sầm lại, gió mạnh hơn và lạnh hơn vì khí đá bốc lên càng nhiều khi trời càng về chiều. Chúng tôi nghỉ chân trên một phiến đá lớn.  Tiếng hát “A đoàn ta vui, nào đi lên một niềm hăng hái…” được cất lên hòa nhịp với tiếng vổ tay làm mất đi sự mệt mỏi và khí thế hơn để tiến bước lên Đỉnh Thiêng Yên Tử. Ở đây đá rất nhiều,lô nhô trên mặt đất núi. Vùng nầy không dốc nữa  nhưng gập ghềnh toàn đá là đá chen lẫn lau lách. Có một cái bảng nhỏ cắm bên đường, mũi tên chỉ lên: “Đỉnh Thiêng Yên Tử”.  Đến một chỗ có hai cục đá rất lớn bằng cái nhà nằm chóan giữa đường, chỉ chừa một khoảng hở cho hai người đi qua, có chữ đề trên đá: ”Cổng Trời”. Có lẽ sắp đến đỉnh đây rồi. Đó là cái đích cuối cùng mà đoàn chúng tôi phải đến trong chiều hôm nay: ”CHÙA ĐỒNG”. Qua cổng trời một đoạn chừng ba trăm mét, đường rất khó đi vì đá cục lớn, trước mặt bây giờ là Chùa Đồng. Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử, giữa khoảng đất nhiều đá nhưng hơi phẳng, diện tích chừng ba trăm mét vuông. Có một cái am cổ, rộng khoảng 1,5 mét, cao khoảng 2 mét, trong thờ ba tượng cốt đúc bằng vôi thì phải, mái bị lủng lỗ, hơn nữa chắc lâu ngày nên bị hư hỏng rất nhiều, tường bị trốc nhiều chỗ, rong rêu bám đầy. Về phía tay phải, có một ngôi chùa bằng đồng màu đen sạm, cao, rộng đều bằng miếu cổ, nhưng có bốn mái, chạm trổ rất dẹp. Chỉ có một cửa trước, bên trong thờ ba tượng Phật. Lư nhang, lư trầm, đèn đài đều bằng đồng đã ngả màu đen sạm. Ở gần đó, có môt cái sào bằng sắt rất chắc, gác trên hai cột trụ bằng bê tông, treo chín cái chuông từ nhò, cao cỡ hai tấc rưỡi, đến lớn, cao độ sáu tấc, hình dáng như đại hồng chung. Xa phía sau một chút là ngôi nhà tôn của đồn biên phòng canh giữ. Chỗ này đá rất nhiều, chung quanh chùa Đồng cũng vậy. Trước sân chùa Đồng rất hẹp, không đủ chỗ cho đoàn  chúng tôi đãnh lễ, một lối ra vào chỉ một người đi lọt. Chúng tôi thắp mỗi người một cây nhang lần lượt ba bốn người một vào đảnh lễ sau khi đánh một hồi chuông.
Bây giờ là sáu giờ chiều, nhìn chung quanh thấy trời đã gần tối, không kịp chụp mỗi người một tấm hình kỷ niệm, máy quay thì hết pin không ghi được hình. Chúng tôi không kịp nhìn ngắm cho kỹ cảnh vật chung quanh chùa Đồng. Xuống! Xuống núi kẻo tối. Đi lên vừa đi vừa tham quan chiêm bái gần sáu tiếng đồng hồ. Trời ơi! Đi xuống trời tối làm sao xuống cho kịp đây. Trời đã tối đến nơi rồi… Thì ra có hai con đường. Đường đi lên vòng vòng vào các chùa, các tháp, các di thánh tích nên lâu. Thiện Thọ hướng dẫn xuống con đường khác, gần nhưng hơi dốc, có lan can để vịnh đi xuống. Đi hết đoạn đường trống, trời tối thật rồi lại đi vào chỗ đường rậm rạp. Khổ nỗi là không lường trước nên không chuẩn bị đèn pin nên đi rất khó và khổ. Đêm ở rừng núi quả thật rất tối. Đi cách nhau một mét khó nhận ra nhau. Đêm 21.6 âm lịch, trời không trăng, hơi đá dày đặc. Thật âm u. Khi màn đêm buông xuống, hàng ngàn loại tiếng côn trùng hòa lẫn với tiếng xào xạc của lá rừng tạo nên một âm thanh nghe rờn rợn. Đâu đó điểm thêm vài tiếng cú kêu nữa… Đi như thế này phải nói chuyện hay lên tiếng để biết nhau. Sợ một nỗi là rắn, ban đêm chúng ra kiếm mồi, rủi đạp nhầm chúng thì rất nguy hiểm. Buổi chiều đi lên ai nấy đã quá mỏi mệt. Nhất là hai chân muốn rũ ra được. Giờ đi xuống lại càng đau hơn; đi lên còn nghỉ ngơi được, còn đi xuống mà nghỉ thì làm sao về đến chỗ trong đêm. Bàn nhau, đến chùa Hoa Yên sẽ nghỉ lại sáng mai tiếp tục xuống, nhưng ở lại trên nầy lấy gì ăn tối cho qua đêm đây, lấy gì để trải nằm, lấy gì để đắp ấm, lại thêm muổi rừng nữa. Thôi thôi, thủng thẳng đi đến đâu hay đến đó. Trông hoài, bây giờ đã đến chùa Vân Tiêu. Cũng đã 21 giờ 30, không biết giờ này trạm cáp treo còn hoạt động phục vụ khách hay không nữa đây. Hướng dẫn viên Thiện Thọ đi hỏi xem. Ồ! may quá, Thế là chúng tôi lên cáp treo đi về chỗ xuất phát hồi trưa, mất hết 15 phút và 120.000 đồng cho cả đoàn. Về đến chỗ, tìm nhà nghỉ, tắm rửa, ăn uống xong là 23 giờ . Đêm nay là một đêm cực nhọc nhất vì phần đông mọi người đều trên U50 cả rồi, đã lâu, chưa một lần xử dụng đôi chân quá tải như thế này, mình mẫy, chân tay đau nhức ê ẩm, sáng thức dậy ai nấy đi đứng đều cháng náng hết.
      Như trên đã nói, Trúc Lâm Yên Tử là  cái nôi, là đất tổ của Phật Giáo Việt Nam, tưởng cũng nên thông qua vài nét sơ lược về sự hình thành và phát triển của nó: Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng Thiền đặc trưng hòa hợp giữa các dòng Thiền của Thiền phái Thảo Đường, Thiền phái Vô Ngôn Thông và Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Vị tổ khai sơn phái Yên Tử là Thiền Sư Hiện Quang (mất năm 1220); Ngài là đệ tử của Ngài Thường Chiếu, lần đầu tiên Ngài Hiện Quang khai sơn chùa Hoa Yên hay còn gọi là chùa Vân Yên. Vị tổ thứ hai kế thừa phái Yên Tử là Ngài Viên Chứng – Đạo Viên hay Trúc Lâm Quốc Sư – đệ tử Ngài Hiện Quang; đệ tử Ngài Viên Chứng là Ngài Đại Đăng , nối nghiệp Sư phụ làm tổ thứ ba phái Yên Tử; tổ thứ tư của phái Yên Tử là đệ tử của ngài Đại Đăng, Ngài Liễu Minh ( Tiêu Diêu); đệ tử Ngài Tiêu Diêu là ngài Huệ Tuệ kế thừa làm tổ thứ năm. Tổ thứ sáu của phái  Yên Tử là Điều Ngự Giác Hoàng. Ngài cũng là Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.     
        Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, con của Trần Thánh Tông, tục danh là Trần Khâm, sinh năm 1258, lên ngôi vua năm 1278 lúc mới 20 tuổi, ở ngôi vua 15 năm, làm Thái Thượng Hoàng 5 năm, xuất gia năm 1299 lúc 41 tuổi. Ngài thị tịch năm 1308 khi mới 51 tuổi. Ngài băng ở am Ngọc Vân núi Yên Tử ngày 01 tháng 11, chỉ có đệ tử là Bảo Sát bên cạnh, các đệ tử khác, ngài bảo xuống núi trước đó ba tháng. Xá lợi của Ngài chia làm hai phần, một để thờ ở tháp Đức Lăng, một để thờ ở Kim tháp chùa Vân Yên núi Yên Tử.
      Lúc đầu  Ngài lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà, sau ngài đổi lại là Trúc Lâm Đầu Đà. Trong gần 10 năm xuất gia, ngài đã xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử. Trước khi tịch, Ngài đã chọn Ngài Pháp Loa kế thừa làm tổ thứ hai phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ngài Pháp Loa là đệ tử của Giác Hoàng, tục danh là Đồng Kiên Cương (1284 – 1330) Ngài đã soạn lại sách “ Thạch Thất Mỵ Ngữ ”. Thời ấy, có những ngôi chùa nổi tiếng do ngài quản lý như Quỳnh Lâm, Hồ Thiên vv …Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được ngài Pháp Loa truyền lại cho đệ tử là Ngài Huyền Quang tục danh là Lý Đạo Tái. Còn Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ có vốn kiến thức và tu tập không thua kém gì các Ngài tiếng tăm khác nhưng không xuất gia. Điều Ngự Giác Hoàng rất trọng nễ, Giác Hoàng đã từng học hỏi, tham bái và tôn Tuệ Trung là thầy.
      Thế rồi, chúng tôi lên xe trở về chùa Long Động một lần nữa để báo với thầy tri khách chùa cũng như chào tạm biệt Yên Tử .
     Theo kế hoạch, đoàn lên đường trực chỉ Kiếp Bạc, ở đó có chùa Côn Sơn mà chúng tôi sẽ ghé thăm. Trên đoạn đường cong queo, ngoằn ngoèo, ngang qua những dãy đồi thấp thưa thớt nhà hai bên đường. Tài xế cũng khá rành rẽ về đường sá, lộ trình chúng tôi đi qua. Có lẽ ít nhất một lần anh ta  đã đi qua rồi. Xe vào một sân rộng tráng xi măng. Phía trước có một hồ sen cũng rất rộng. Có thể cả sân và hồ cũng ngót ba bốn mẫu đất. Đối diện hồ qua sân là một dãy tường rào, chính giữa có một cổng tam quan đề ba chữ Nho tôi cũng đoán ra đó là ba chữ Côn Sơn Tự. Xe dừng lại trước cổng, chúng tôi lần lượt đi bộ vào sân chùa. Sân chùa rộng, lát gạch tàu. Phía trước, cách chùa chừng 15 mét có một dãy nhà ngang dài chừng 15 mét rộng khoảng bốn mét, ba gian. Trước mặt sân chùa  có nhiều bia viết bằng chữ Hán dựng trên lưng những con rùa đá. Về phía trái sân, có môt cái miếu giống như cái am gọi là nhà “hóa”, và cách đó không xa, có một ông thầy đồ luôn viết văn sớ thuê cho khách tham quan. Ai muốn cầu nguyện điều gì thì nói với ông, ông sẽ viết cho một tờ văn, vào chùa cầu nguyện xong đem ra nhà “hóa” để đốt. Chúng tôi vào chùa, chỉnh trang lại y phục, thắp nhang, toàn thể anh em đều đãnh lễ ba lạy. Chùa cổ nhưng chỗ chính điện cũng rất cao, thờ cũng rất nhiều tượng Phật bằng gỗ có, bằng đồng có. Chính giữa và cao hơn thờ Đức Bổn Sư. Mọi trang trí trong chùa cũng như những ngôi chùa cổ khác ở miền Bắc, cũng sơn son, thiếp vàng cũng hoành phi, câu đối, cũng chạm trổ rất tinh vi, đẹp đẽ. kể cả đòn tay, kèo xà. Chùa này xây  dựng  chắc cũng đã lâu đời, dáng vẻ cổ xưa, cột, kèo lớn, mái thấp, bề ngang dài hơn chiều sâu. Chùa này xây dựng theo lối chữ tam. Đây là nơi mà tổ Pháp Loa đã tu tập và xây dựng nên cảnh Thiền môn   nầy và cũng là nơi tịch diệt của Ngài là tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài Đệ nhị Tổ Pháp Loa họ Đồng. tư chất thông minh đỉnh ngộ. Năm 21 tuổi được Điều Ngự Giác Hoàng thu nhận làm đệ tử. Ngài đắc pháp rất sớm. Ngài đã đúc được 1.300 tượng Phật, hai đài giảng đạo, 200 cơ sở tăng đường, độ trên 15.000 tăng ni, có hơn 3.000 người đắc pháp. Ngài đã soạn quyển “Đoạn Sách Lục”và “Tham Thiền Yếu Chỉ” hiện đang lưu truyền. Đời Ngài rất ngắn, chỉ đến 47 tuổi. Tháp của Ngài và Ngài Huyền Quang đều ở chùa Côn Sơn nầy. Tháp ở phía sau chùa, đoàn chúng tôi  cũng đã thắp nhang bái lạy và nhiễu ba vòng quanh các tháp của các Ngài để tỏ lòng tôn kính. Sau chùa có một cái giếng gọi là giếng “Ban Phước Lành”, khách tham quan trước khi vào chùa, họ đổi tiền lẻ nhỏ nhất 200, 500 đồng, lễ xong, họ ra giếng bỏ tiền xuống để cầu bình an. Dưới giếng, ngang mặt nước người ta làm một tấm lưới để chận tiền lại. Xa xa phía sau góc phải chùa là lăng ông Nguyễn Trãi, vị công thần khai quốc của nhà Hậu Lê. Cuối đời Nguyễn Trãi  cáo lão về đây ẩn dật, tu dưỡng lại, bị nịnh thần vu oan giết vua nên bị tru di ba họ, về sau được giải oan, triều đình cho lập lăng thờ ông ở đây.
      Chùa Côn Sơn, thuộc xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, Tỉnh Hải Dương. Năm 1304, Sư Pháp Loa cho xây một chùa nhỏ, đặt tên là am Kỳ Lân. Đến năm 1329, được mở mang rộng ra thành Côn Sơn Phúc Tư Thiên Tự, do Ngài Huyền Quang trụ trì. Năm 1373, vua Trần Duệ Tông đề tặng ba chữ Thanh Hư Động,  được khắc vào bia đá đặt trên lưng rùa, để phía phải sân .    
       Tham quan chiêm bái Côn Sơn xong, đoàn về Hà Nội, ghé chùa Bồ Đề. Đây là chùa nữ. Đang mùa an cư nên các Ni Cô tập trung về đông. Đoàn được nhà chùa đải bữa trưa cơm chay. Chùa nầy sát bờ sông, gần cầu Chương Dương. Đoàn không nghỉ tại chùa mà qua cầu Chương Dương về Hồ Tây nghỉ ngơi và tham quan thắng cảnh nơi đây luôn. Chúng tôi đến chùa Trấn Quốc để thăm viếng nhưng chưa “đến giờ mở cửa” vì bây giờ mới 12 giờ trưa. Phải đợi ở ngoài một tiếng rưỡi. Đang rỗi rải, tìm chỗ ngồi nghỉ hay đi loanh quanh đâu đó nhìn ngắm Hồ Tây. Hồ rất rộng, nước xanh lơ, có nhiều nhà hàng nổi sang trọng, khách khứa vào ra tấp nập. Chùa Trấn Quốc được xây dựng vào thời Phật giáo hưng thịnh nhất của  nhà Lê. Đây là di tích lịch sử quan trọng của nước nhà với lại là  “du lịch” nên phải có quy định chứ không như chùa “thường” mà luôn luôn mở cửa để khách ra vào chùa tự do đâu. Đúng 13 giờ 30, cổng chùa mở, khách tham quan được vào chùa. Bên trong sân chùa phía tay phải cổng vào, có một hồ sen rộng, hai bên bờ trồng cau kiểng thẳng tắp .Trong sân có dựng một ngôi tháp cao 13 tầng. Tháp lục giác, có lẽ mới xây dựng vì còn mới. Mỗi tầng có sáu cửa sổ, mỗi cửa sổ có  thờ một tượng Bổn Sư bằng thạch cao giống nhau về hình dáng nhưng khác nhau về kích cỡ. Những tượng ở tầng dưới lớn hơn và nhỏ dần lên trên.  Tổng cộng có 78 tượng. Chúng tôi chỉ đứng ngoài nhìn chứ không vào được trong tháp nầy. Lần lượt đi vào trong chùa chính, chùa rộng nhưng thấp nhiều phòng,  nhiều ngõ ngách, thờ rất nhiều loại tượng. Tượng Phật có, tượng  thần có, tượng ngưa, voi có, tướng tá dữ dằn, cầm gươm, cầm kiếm. Còn cúng kiến phẩm vật thì  thịt, cá,   tôm, cua, gà vịt, bánh trái, vàng mã đủ thứ. Chùa hình thức thì thờ Phật nhưng đã bị đồng hóa bỡi các tín ngưỡng dân gian. Biến nơi tôn nghiêm thờ phượng của Phật giáo thành một điểm du lịch đa dạng.  Khách trong và ngoài nước đến tham quan nhiều hơn chứ không phải là chiêm bái.
      Chùa Trấn Quốc hay chùa Khai Quốc có vào thời Tiền Lý – Lý Nam Đế - năm 541 – 547 ở thôn Yên Hoa, gần bờ sông Hồng, đến đời Lê Trung Hưng, 1615, dời vào trong đê Yên Phụ, trên nền cũ cung Thúy Hoa thời Lý, điện Hàn Thuyên thời Trần. Đến khi vua Minh Mạng ra thăm, đổi tên là chùa Trấn Bắc.     Khoảng 30 phút sau, chúng tôi lên xe đi thăm chùa Một Cột. Chùa nầy được khỡi công xây dựng từ tháng 10 âm lịch năm 1049 vào thời nhà Lý. Theo giấc mơ của Lý Thái Tổ, và sự gợi ý của sư Thiền Tuệ. Năm 1105, Lý Nhân Tông  cho sửa sang lại. Chùa có tên là Diên Hựu,  sau đổi thành Liên Hoa Đài, và bây giờ cái tên chùa Một Cột được in sâu vào  trong lòng người dân Việt Nam. Chùa đặt giữa một hồ sen, phía trước, gần bờ, người ta xây bậc thang lên hiên chùa. Hồ sen chưa đầy 150 mét vuông, có lẽ diện tích này đã bị thu hẹp nhường cho những công trình công ích khác mà quên đi ý nghĩa lịch sử và vẽ đẹp cảnh quang của nó. Sàn chùa được đặt trên một cột trụ đúc hai khúc, đường kính 1,20 mét cao 4 mét từ mặt nước, chùa có cạnh 3 mét .     
        Chúng tôi về Văn Miếu Quốc Tử Giám, nơi nầy đúng là khu tham quan di tích lịch sử của nước nhà, cần được quảng bá rộng rãi cho dân chúng biết thật rõ về văn hóa dân tộc từ các triều đại của nước nhà, các vị khoa bảng nổi danh một thời và cũng cho thế giới biết rằng: Việt Nam có rất nhiều người tài ba lỗi lạc, học rộng tài cao. Vào cổng Văn Miếu, phía trái có một hồ nước rộng, toàn bộ sân trong đều lát gạch tàu hoặc tráng si măng.  Chung quanh là những nhà dọc, dài nhưng hẹp hơi thấp, có khoảng tên 80 bia       dựng trên lưng các chú rùa đá. Bia khắc bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Chúng tôi không đọc được. Nhà phía tay phải, có một tấm bia lớn, chữ quốc ngữ, ghi danh sách hàng ngàn Tiến sĩ, Phó bảng, Thám hoa từ  Triều đình trước mở khoa thi đầu tiên để chọn nhân tài đến thời nhà Nguyễn cuối cùng. Chính giữa khu Văn Miếu có  một ngôi nhà lớn thờ các vị đại công thần, các vị vua có công lao nổi tiếng như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Trãi… Những con chim hạc bằng đồng rất to, chân bằng chân người, cao gần hai mét, đứng trên lưng những con rùa rất lớn, chầu hai bên tượng các ngài,  thật oai nghiêm và hùng vĩ. Phía sau nữa là một sân khấu nhạc sống. Nghê sĩ hát dân ca, nhạc dân tộc theo yêu cầu của khách tham quan. Khi vào tham quan ở đây, tất cả người dân Việt Nam, đều liên tưởng đến dân tộc mình, đến nền văn hóa bốn ngàn năm mà cảm thấy tự hào. Đoàn đã tập trung tại sân giữa để chụp hình, quay phim lưu niệm.      



      Rời văn Miếu, chúng tôi đi thăm hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm, một địa danh được lưu truyền từ ngàn xưa trong lịch sử văn hóa dân tộc. Giữa hồ, xa xa từ cầu Thê Húc nhìn qua phía tả vọng, Tháp Rùa  trơ trọi, soi bóng giữa hồ nước mênh mong sóng gợn. (Hồ được chia thành hai, tả vọng và hữu vọng) Cầu Thê Húc dài chừng 30 mét, nối từ bờ ra  đền Ngọc Sơn rộng giữa hồ. Trong đền thờ rất nhiều tượng: nào tượng Phật, tượng Thần, tượng thánh, tượng danh nhân, sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Đặc biệt có một lồng kiếng to rộng, bên trong chưng một con rùa rất lớn - Rùa thật – được ướp xác. Chiều dài tính từ mõm đến cùng đuôi chừng 1,5 mét, rộng chừng một mét, được sơn quét bóng láng, bảng ghi nặng 120kg. Có lẽ rùa này ở hồ Hoàn Kiếm. Chúng tôi đi dạo một đoạn quanh hồ rồi ngồi nghỉ giải lao ở một quán “chồm hổm”  dưới tán cây bên bờ hồ. Nói là quán nhưng thực ra chỉ một chiếc xe đẩy nhỏ, vài cái bàn thấp, chục cái ghế ngồi thấp thấp chừng một tấc, vài cái bình trà, vài cái ống thuốc lào. Khách có thể gọi bình trà, phì phà vài hơi thuốc lào hay một ly chanh đá chẳng hạn…Bình trà thì ba ngàn đồng, nhưng ly chanh (dây hột) đá thì mười ngàn đồng. Thấy chúng tôi năm nguời ngồi uống trà, Tâm Mẫn và Tâm Anh gọi hai ly chanh đá dây, tưởng cũng chỉ một vài ngàn, không ngờ phải trả đến 20000 đồng. Cà phê thì tuyệt nhiên không thấy có. Có lẽ cà phê bán trong các quán giải khát sang trọng kia chăng. Chúng tôi lên xe đi tìm một quán cơm chay, nghe nói ở phố Hàng Tấm có quán bán cơm chay nhưng tìm khắp, chẳng thấy nơi nào bán cơm chay cả, đành đưa xe đến đổ xăng và tạm nghỉ chờ ở đó để Không Phiên, Diệu Ân ra chợ mua rau quả tươi về chùa Đậu nấu ăn tối. Khi lên xe đi thì chủ cây xăng đến xin tiền phí đậu xe. Thật hết nói nỗi kiểu làm ăn của một số dân thủ đô.
      Dự định tối nay (23.6.Giáp thân) sẽ nghỉ lại chùa Đậu.
         Chùa Đậu hay chùa Đạo  thờ Nữ Thần Pháp Vũ , được xây dựng từ Triều đại Nhà Lý, ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trải, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông, cách Hà Nội chừng trên dưới hai mươi km, tại một vùng thôn quê. Xe chạy trên con đường tráng nhựa ngoằn ngoèo, rộng chừng 2,50 mét, qua mấy cánh đồng lúa còn xanh tốt, đến một xóm nhà dân,  một con đường đất ngang qua trước cổng ngoài của chùa. Chúng tôi dừng xe ở ngoài, đi bộ vào. Trước mặt, đối diện với cổng Tam quan là hồ sen đang trổ hoa, có vài chú vịt bầu đang tắm gội một cách yên bình. Cổng tam quan là một gác chuông rất cổ kính, hai tầng, tám mái, tầng trên treo một quả chuông nghe nói đúc năm 1801, nền cổng tam quan cao hơn sân chùa chừng vài ba tấc. Cột nhiều và  rất lớn, mái lợp ngói, phần giữa rộng và cao hơn hai bên, tất cả dài chừng năm mét, rộng chừng ba mét. Chùa xây theo kiểu “ nội công ngoại quốc” Qua cổng là một sân rộng, phía trước là một dãy nhà ngang bảy căn, cửa văn khoa bằng gỗ, đóng kín, nền cao, mái ngói rêu phong. Hai bên hai dãy nhà dọc dài khoảng hai chục mét, phía sau xây kín, phía trước trống, một bên treo đại Hồng Chung; một bên dựng giá trống, còn lại dựng mấy bia trên lưng mấy con rùa. Cuối dãy phía phải có một thất  nhỏ, cửa thất được lấy cây chắn lại, bên trong có một bệ thờ để trống, một lư nhang, trên mái có thủng mấy chỗ. Phía sau ba dãy nhà là một dãy nhà ngang, dài bằng dãy ngang phía trước, cũng cửa văn khoa đóng kin, nền thấp, ngạch cửa cao chừng ba tấc cũng bảy căn. Chính giữa là bái đường (chùa chinh). Chùa chính đã bị hư hỏng trong chiến tranh nên người ta làm tạm bằng cột tre già, to mỗi cột đều có treo câu đối bằng gỗ, mái lợp ngói, để có nơi lễ bái kinh kệ đợi khi trùng tu, tôn tạo lại. Chúng tôi vào gặp trụ trì để trình bày ý định là đoàn chúng tôi từ Bà Rịa Vũng Tàu đến tham quan thăm viếng, gặp lúc trời tối nên xin tá túc qua đêm, một vị tăng trẻ chừng hai ba hai bốn tuổi, tiếp và đồng ý nhưng thầy cho biết vị Trụ trì chùa đi vắng, chùa không có điều kiện phục vụ về ẩm thực. Điều đó không lo vì chúng tôi đã chuẩn bị sẵn  bữa tối từ chiều rồi. Các chị tắm rửa sau, đi lo bữa tối đã. Thầy huy động một số đạo hữu gần đó đem quạt điện, mùng, mền, chiếu, gối đến cho mượn. Chúng tôi ngồi tâm sự với thầy về cách sinh hoạt tập quán trong chùa. Được biết chúng tôi đều ăn chay, thầy cũng như quý đạo tràng Phật tử ở đây rất ngưỡng mộ. Ở đây, vấn đề ăn chay là “tùy duyên” kể cả sư sãi. Các vị xuất gia tùy theo tuổi tác, hạ lạp mà phân ra : Sư Chú, Sư Thầy, Sư Bác, Sư Ông, Sư Cụ  vv. Tối nay chúng tôi tụng kinh, lễ Phật chung với thầy và đạo tràng. Thấy hôm nay đạo tràng ở đây toàn là nữ, mặc áo nâu đà. Họ tụng kinh theo lối ngoài nầy nên chúng tôi rất khó tụng theo. Nghi lễ đơn giải thôi. Xong, chúng tôi xin phép Sư thầy cho chúng tôi thăm  và đãnh lễ Xá Lợi của hai vị Thiền sư được bảo toàn cách 380 năm về trước, vẫn còn nguyên vẹn, được lưu giữ và thờ ở đây: Thiền Sư Từ Đạo Chân thế danh là Vũ   Khắc Minh ; Thiền  Sư Từ Đạo Minh, thế danh là Vũ Khắc Trường. Xá Lợi của Thiền Sư Từ Đạo Chân vẫn còn nguyên vẹn không hư hại gì, cân nặng 9 kg, những đường nét, da, xương còn rõ ràng, được đánh bằng thứ gì láng bóng, màu nâu. Xá Lợi của Thiền Sư Từ Đạo Minh  hư hại vì thờ ở thất ngoài, nước lụt tràn vào nên bị rã khớp gối chân phải và bàn tay trái, đã được  các nhà khoa học phục chế lại nên không nguyên vẹn, màu trắng, sơn dày hơn. Hai Thiền Sư ngồi trong tư thế kiết già rất đẹp. Các nhà khoa  học thế giới đã đưa xác hai ngài lên bệnh viện 108 để    siêu âm, chụp X quang  để  tìm  hiểu về kỹ thuật lưu xác của tổ tiên ta ngày trước như thế nào , trong môi trường không bảo quản tốt mà vẫn còn nguyên vẹn gẩn 400 năm qua. Bây giờ Xá Lợi của các Ngài được đặt trong lồng kiếng kín, được diệt khuẩn, hút khí ra hết , không được thắp nhang để tránh hư hại. Xá Lợi của hai ngài được thờ ở hậu tổ - dãy nhà ngang ở phía sau. Chúng tôi đã lần lượt đãnh lễ hai ngài, quan sát   thật kỹ mới hay sự tài giỏi của người xưa. Được nghe vị sư thầy kể lai rằng: Các vị được gọi là “sư rau” vì các vị chỉ ăn một món duy nhất là rau. Các vị còn trẻ, có vị mới 49 tuổi, cân nặng đến năm sáu chục kg. Sư Vũ Khắc Minh, trước khi tịch, Ngài ngồi vào trong thất để tụng kinh, đem theo một chum nước, một  chum dầu. Ngài ngồi kiết  già tụng kinh để thị tịch, bảo tất cả đệ tử đóng cửa lại, rời khỏi nơi này. Trong ba tháng nếu không nghe tiếng tụng kinh, có mùi thơm tỏa ra thì mở cửa, nếu thi thể còn nguyên thì đem xác ra bạ sơn vào người, nếu thối thí lấy đất lấp am lại .  Một thời gian sau, mùi thơm tỏa ra khắp vùng, các đệ tử đến mở cửa vào thì thi thể đã khô teo lại…
         Bây giờ đã 23 giờ, chúng tôi chia nhau ra ngủ ở những giường kê ở những phòng phía sau hậu tổ. Chưa vội cột mùng, mới trải chiếu, nằm ngả lưng nghỉ, nhìn lên mái nhà lợp tranh, cách mặt giường khoảng hai mét rưỡi, một tổ ong bò vẽ to bằng đầu người, có năm, sáu con ong đang bò quanh để canh giữ, bảo vệ. Ôi thôi! Chúng tôi ra ngay kẻo mang họa. Vì lâu rồi không ai vào ngủ nên ong vào làm tổ không biết. Qua phòng khác ngủ qua  đêm . Trước khi ngủ, tôi sạc pin để chuẩn bị ngày mai ghi hình. Chùa Đậu được vua Lê Thần Tông ban sắc phong là “ An Nam Đệ Nhất Danh Lam”. Chùa còn bảo lưu được nhiều di vật quý như hai con chồn đá có từ đời nhà Trần niên đại trên 500 năm; hai bản gổ khắc hai bài phú  thất ngôn bát cú thời chúa Trịnh.  Diện tích  Chùa khá rộng, ở góc phía trái có một nhà lớn cũng xưa cổ, đóng kín cửa. Trước hiên có mấy bia đá ghi bằng chữ Hán. Chung quanh sau chùa cũng có năm bảy tháp. Chúng tôi thức dậy thật sớm, làm vệ sinh cá nhân xong, ngồi quán sổ tức nửa giờ rồi tập trung tại phòng  khách của chùa Thầy, cảm ơn về sư tiếp đón giúp đỡ của Sư Thầy và đạo tràng. Cúng dường một ít tịnh tài, hồi hướng công đức . Xong, tạm biệt chùa Đậu với đầy những cảm tình đẹp của đôi bên. Trên đường về chùa Hương, chúng tôi ghé một cơ sở sản xuất mủ chóp rộng vành làm bằng lá dừa, nằm ở bên đường, mua mỗi ngưới một cái sáu ngàn đống, đội để kỷ niệm cho vui. Rồi thẳng tiến đến thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Nơi đây có chùa Hương nổi tiếng từ lâu về phong cảnh thiên nhiên hữu tình.  Nhà thơ Chu Mạnh Trinh  đã làm bài thơ hát nói, ca tụng thiên nhiên phong cảnh Hương Sơn : Bài thơ “Hương Sơn Phong Cảnh”:
“ Bầu trời cảnh Bụt,
 Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
  Kìa non non, nước nước,mây mây,
  Đệ nhất động hỏi rằng đây có phải.
  Thỏ thẻ rừng Mai chim cúng trái ,
  Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.
  Thoảng bên tai một tiếng chày kình.
  Khách tang hải giật minh như giấc mộng…
  Này suối giải oan, này chùa Cửa Võng,
  Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh.
                                                                      …”
Đoàn chúng tôi, trừ tài xế còn mười bốn thành viên đều đến bãi thuyền Bến Đục liên hệ với Ban quản lý du lịch Chùa Hương để mua vé. Ở đây chỉ bán một vé vừa đi thuyền vừa tham quan. Gọi là Bến Đục, thật sự nước đục ngầu, lại dơ dáy nữa. Có xây bờ bãi hai bên đàng  hoàng, có chỗ neo thuyền, bậc cấp cho khách lên xuống thuyền. Có đến hàng ngàn thuyền bằng sắt đang neo đậu chờ đến phiên chở khách đi chùa Hương. Mỗi thuyền chở được sáu khách và hai người chèo mà thôi.



Ban điều hành ở bến phân cho đoàn chúng tôi ba thuyền, có một cô bán hàng và một cô  theo chụp hình đi trên một chiếc thuyền khác. Cùng lúc, trên bến rất đông khách lên thuyền. Lên thuyền  phải ngồi yên kẻo thuyền mỏng nhẹ dễ chòng chành .Người chèo thuyền  hai mái chèo bằng cả hai tay cùng một lúc vừa chèo, vừa lái, quen rồi trông ra rất thành thạo.  Thuyền đi hết đoạn Bến Đục chừng vài Ngàn mét thì cặp vào một bến phía hữu ngạn. Tất cả đều  lên bờ, rồi lên một ngôi nhà lớn gọi là Đền Trình. Muốn đi tham quan thuận lợi an toàn, yên ổn, du khách phải lên Đền Trình thắp nhang khấn nguyện trước khi đi chùa Hương. Ở đây có một ông thầy chuyên khấn vái thuê cho khách. Chỉ cần nói tên họ, năm sinh, quê quán và năm, mười ngàn đồng gì đó, thì ông ta đọc một lèo như đã học thuộc từ lâu. Ai tự khấn vái thì thôi, không bắt buộc . Tất nhiển, chúng tôi tự khấn vái lấy. Anh Tâm Chế, đại diện đoàn làm việc nầy. Xuống thuyền lại, Tâm   Triển đi thuyền riêng với hai cô phục vụ để ghi hình đầy đủ cả đoàn. Đi một đoạn nữa, bên vách núi phía trái, sau khi lòn qua một chiếc cầu, có ba chữ lớn :”Núi Đổi Chèo”, nghĩa là đến đoạn sông nầy phải đổi người khác chèo, nếu không sẽ không may. Nước sông Yến đến đoạn nầy rất trong, dưới đáy sông, cái gì cũng thấy. Đoạn sông nầy rất nhiều rong mái chèo và bèo lục bình, hai bên bờ, những ngọn núi lô nhô nổi lên, sông thì rộng ra hơn. Cùng đi, có hai ba chục thuyền, quang cảnh núi đồi, sông nước, thuyền bè khách tham quan đi  trên khúc sông rộng nầy với trời mây non nước bao la rộng rãi thật nên thơ. Chúng tôi lại hát to, hát vang bài hát quen thuộc, vừa hát vừa vổ tay. Ai cũng già rồi mà bây giờ như trẻ lại  thời trai tráng. Các thuyền cùng đi, ngạc nhiên đổ dồn vào nhìn chúng tôi. Cô chụp hình đi theo đoàn nói: “Đoàn mấy chú vui ghê, hát hò như thanh niên. Từ trước đến giờ, cháu chưa từng thấy đoàn nào vui như thế nầy”. Quang cảnh rừng núi, sông nước tiếp kề nhau, thuyền du ngoạn xuôi ngược, đông đúc gợi cho ta quên hết quá khứ nhọc nhằn, hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng, thật là thú vị . Hai bên bờ sông Yến, chúng tôi thấy có nhiều điểm rất gợi cảm như : Bến Đục, đền Trình, núi Con Voi, chùa Bông Lúa, cầu Hội, núi Đổi Chèo, núi Mâm xôi, núi Voi Phục… Thuyền cập vào một bến thấp, xuống thuyền, lội nước lút mắt cá chân, lên bờ đến một khu đất phẳng, ở đây là quán xá bán đủ mọi thứ như quà lưu niệm, áo quần có in mác chùa Hương, thức ăn, nước giải khát, gậy gỗ tiện … Chúng tôi tìm chỗ đặt nấu mười bốn phần cơm chay để khỏi tốn công tìm kiếm khi đi tham quan chùa Hương trở về… Tôi chọn mua một cây gậy để chống lên núi và cũng để làm quà tặng mẹ đang gần 90 tuổi… Lúc nầy, thưa khách hơn vì đã hết mùa lễ hội. Hội chùa Hương thường diễn ra từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch hàng năm  mà bây giờ là cuối tháng sáu. Có nhiều chỗ, quán xá dẹp lại một đống, chờ đến sang năm. Chúng tôi lên từ từ, trời hôm nay nắng, nên mọi người có phần mệt nhọc, mồ hôi nhuễ nhoãi. So với Yên Tử thì ở đây thấp và dễ đi hơn nhiều. Chen lẫn trong đám du khách Việt Nam cũng có nhiều du khách ngoại quốc đi thăm chùa Hương. Đây là rừng nguyên sinh, đồi núi chập chùng, cây cối rậm rạp. Người ta bán nhiều loại thảo dược bản địa trong đó có nghệ vàng, nghệ đen… Đặc biệt, có một loại côn trùng to gần bằng ngón tay, dẹp, nhiều chân, dài khoảng năm phân, màu đen, khi đụng vào, nó cuộn tròn vo như viên bi đen láng. Để yên, một



hồi lâu nó tự mở ra bò.

Quanh co một hồi, bây giờ đến một dốc, nhìn xuống có 120 bậc thang kiên cố, xây bằng xi măng, rộng chừng bốn mét. Đứng trên nhìn xuống dài chừng năm chục mét, một cửa hang thiên nhiên toàn là đá tảng rất lớn, cửa hang rộng và cao trên mười lăm mét. Xuống hết bậc thang, gặp khoảng sân trống bằng phẳng được tráng xi măng, cuối cùng là động chùa Hương. Một tảng đá lớn chặn ngang cửa  động, chia cửa động ra làm hai  lối, trên cửa động có năm chữ lớn được khắc vào đá.   Năm 1770, bút tích của chúa Trịnh Sâm, sơn thật rỏ nét : “ Nam Thiên Đệ Nhất Động “. Đi vào bên trong, cảnh vật lờ mờ tranh tối tranh sáng nhưng rất rộng, cả đến ngàn mét vuông. Nhiều bàn thờ đủ loại tượng, Phật có, thần có, thánh có, đèn nến  lung linh leo lét, khói hương trầm, khói đốt vàng mã bốc ra cay cả mắt, ai vào cũng thắp nhang cầu nguyện, đông người thắp, trong động không có gió, chỉ một cửa nên nghẹt thở là phải. Ra ngoài đứng nhìn thấy khói hương bay ra cửa như mây lam tuôn ra vậy. Chúng tôi không quan tâm đến việc ấy. mục đích là tham quan thăm viếng cho biết chùa Hương thế thôi. Khoảng mười lăm phút sau chúng tôi ra khỏi động chùa Hương kẻo rất khó thở vì mùi khói hương nhiều quá ngột ngạt. Lên chùa Trong thì có những địa danh nhỏ cũng nhiều gợi cảm như : Suối Giải Oan, chùa Cửa Võng, am Phật Tích, động Tuyết Quynh, đá Viên Ngọc…Thế rồi, chúng tôi quay trở lại, xuống núi, đến suối Giải Oan, ngồi bên bờ suối khoát nước rửa cho mát mẻ, đợi anh em tập trung đầy đủ rồi xuống. Đúng trưa, nghỉ ngơi ít lâu, ăn cơm trưa.  Chiều nay trước khi trở lại bến Đục,  chúng tôi cùng nhau thăm   Chùa Thiên Trù ở  chân núi. Chùa Thiên Trù, một quần thể gồm sáu bảy ngôi nhà cũ có, mới có . Hai dãy nhà ngang ở phía sau, hai dãy nhà trù và nhà tổ ở phía phải ; phía trái cũng có hai dãy nhà . Từ ngoài vào là một bậc thang cao mấy chục cấp. Một cổng tam quan to lớn, rất đồ sộ nguy nga. Ba tầng, mười hai mái ngói, cong vút lên cả mười hai góc. Tầng trên cùng có hai nóc, bốn mái  dọc. Tất cả các góc, các nóc trên mái đều gắn Long Giao rất cầu kỳ, tinh xão. Tầng dưới rộng, tầng trên cùng hẹp hơn. Đến một sân rộng, có mấy cái đỉnh đồng lớn, trên đỉnh đồng,  có tháp cũng bằng đồng chạm hoa văn rất tinh xão và đẹp đẽ. Một dãy nhà ba gian trống, đến chùa chính. Chùa chính Thiên Trù thờ tự rất nghiêm   trang . Chúng tôi đảnh lễ Phật xong, đi tham quan các chỗ. Trong sân, phía phải chùa, có một hồ ,trong hồ thả nhiều rùa và ba ba. Đến thăm sư Trụ trì, gặp một vị có bộ râu  dài trắng toát, lông mày rậm, dài, trắng nước da lại cũng trắng hồng hào, thoạt nhìn như một Tiên ông. Ham tham quan, đảnh lễ và thăm viếng nhiều nơi, chị thủ quỷ bỏ quên giỏ xách bên ngoài, lạy xong đi luôn, trong đó có tiền. Một phen hoảng hồn, nếu ai đó cầm đi, chắc chúng tôi phải khó khăn. May, tìm lại được, chưa ai lấy. Ở đây du khách vào ra nhiều lắm. Ra đến sông, nhìn lại không thấy Tâm Thuyết đâu cả, có người bảo trở lai kêu nhưng khi nhìn ra giữa sông thì thấy Tâm        Thuyết đang tắm. Chúng tôi lên thuyền đang chờ sẵn, về chỗ xuất phát buổi sáng. Bến Đục – Trước khi rời thuyền không quên “bo” cho cô bé -  học sinh lớp 12 nghỉ học, tranh thủ về giúp gia đình  -  hai mươi ngàn đồng.



     Quyết định trở về Nam, lên xe chạy quanh co trong các vùng nông thôn Hà Tây, ngang qua các tỉnh đông Hà Nội rồi về đến Vinh lúc 22 giờ. Tìm nhà nghỉ, ngủ lại qua đêm sáng mai, 04 giờ sáng thức dậy lên xe thẳng tiến về phương Nam, qua Hà Tĩnh, Đèo Ngang, Quãng Bình rồi đến địa phận Vĩnh Linh của tỉnh Quãng Trị .
       Đã hẹn, khi trở về sẽ dừng lại cầu Hiền Lương. Xe đỗ phía Bắc cầu. Chúng tôi đi bộ qua cầu, vừa ngắm dòng sông Bến Hải – Nơi chứng tích lịch sử nội chiến tương tàn suốt hai mươi năm trời của đất nước. Cầu Hiền Lương nằm trên quốc lộ 1A đoạn km 735 cách Dốc Miếu, Gio Linh chừng 7 km; cách Hồ Xá, Vĩnh Linh chừng 9 km. Đầu tiên, năm 1928 người ta bắc cầu tạm bằng gỗ đủ để người qua lại. Gần 40 năm, cầu được nâng cấp 8 lần vào các năm 1931, 1943, 1950, 1952, 1967, 1974, 1996. Lần nâng cấp năm 1952 có 7 nhịp, lót 894 tấm ván gỗ thông, cầu dài 178 mét. Gỗ lâu ngày bị xuống cấp trầm trọng nên năm 1974 được làm lại cách cầu cũ 35 mét về phía hạ lưu. Và sau cùng cầu bê tông, cốt sắt mới xây dựng năm 1996. Nhìn dòng sông Bến Hải hiền hòa, cầu Hiền Lương vũng chải , nghe giọng hát của  Thu Hiền ngân nga bài “ Nghe câu hò bên bờ Hiền Lương: “Bên bờ Hiền Lương, chiều nay ai đứng trông về. Mắt đượm tình quê… Ơi câu hò chiều nay, sao nghe nặng tình ai, hay là anh bên ấy, trong  phút giây nhớ nhung trào sôi…   Ơi câu hò chiều nay, tôi mang nặng tình ai. Nơi miền quê xa vắng, anh có nghe thấu chăng lòng em    ..”    cũng không khỏi chạnh lòng…   



Đoàn không ghé Đông Hà mà ghé chùa Sắc Tứ Tịnh Quang, ăn trưa trước khi vào Huế. Tổ Đình Sắc Tứ Tịnh Quang là di tích  lâu đời của Phật Giáo Quảng Trị, từ
                          Chùa Sắc Tú Quảng Trị
trước thời chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ đất Ái Tử (1600). Chùa tọa lạc trên bãi cát thuộc làng Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cách chừng tám trăm mét phía tây quốc lộ 1. Hòa Thượng Tu Pháp tự là Chí Khả phát triển thêm năm 1739. Chùa đã được trùng tu đến 9 lần. Trước đây chùa có tên là Am Tịnh Độ, năm 1739, chúa Nguyễn Phúc Khoát đến thăm ngự đề năm chữ đặt tên lại là “ Sắc Tứ Tịnh Quang Tự”. Năm 1972, bị chiến tranh tàn phá, chùa hư hại nặng nề.                        
            Năm 1997, được tái thiết lại toàn bộ, chi phí lên đến 2 tỷ đồng. Chùa có thờ tượng Bổn Sư bằng đồng ở chính giữa, rất lớn, nặng trên 2700 kg, có một trống lớn, đường kính mặt trống 1,65 mét. Ngày trước, đường vào chùa là một con đường đỏ sỏi, là một ngôi chùa nhỏ đơn sơ nhưng cỗ kính. Bây giờ được trùng tu tái thiết nên một ngôi chùa khang trang, rộng rãi, bề thế. Chiều cao của chùa 15 mét, chiều  rộng 27 mét, chiều sâu 31 mét. Nơi  tỉnh Giáo Hội làm việc, thay thế cho chùa tỉnh hội trước đây ở cuối đường Gia Long cũ . Hiện tại, đây cũng là Trung Tâm Phật Giáo của tỉnh Quảng Trị . Trụ trì chùa là Thượng Tọa Thích Phước Châu, tiếp đoàn rất ân cần niềm nở. Ngài biết những thành viên trong đoàn đều là dân Quảng Trị  - đã một thời sống, cúng dường, viếng thăm, lễ lược, trại mạc  và cũng là đệ tử của Chư Tôn Đức như ngài Chánh Trực, ngài Lương Bật, ngài Chơn Không…Chúng tôi đãnh lễ Phật, đãnh lễ Tổ,  tham quan chung quanh rồi ăn trưa do các chị nữ trong đòan và mấy chị làm công quả ở chùa làm. Bún con, cải con, với nước chấm được chế biến rất ngon. Từ lâu không được ăn bún con đầu nước, bây giờ ăn lại, đơn giản thôi mà rất tuyệt vời, lại nữa vì đã quá trưa. bụng đói, lúc đó ăn gì cũng ngon cả. Trước khi từ giả Sắc Tứ, Thầy Trụ Trì dặn dò, tâm sự rất tình cảm, Thầy tiễn chúng tôi lên xe, hai bên bùi ngùi quyến luyến.          
  Điện thoại cho anh Hoàng, chị Hà trước để chuẩn bị cơm tối trước khi đoàn ghé thăm chùa Thiên Mụ. Nơi Ôn Đôn Hậu xả báo thân. Chùa Thiên Mụ còn có tên là Linh Mụ. Chùa Thiên Mụ hay Linh Mụ, tọa lạc trên đồi Hà Khê, cách thành phố Huế 5 km về hướng tây, phía tả ngạn, bên dòng sông Hương thơ mộng. Một thắng cảnh, một di tích lịch sử Phật Giáo. Tháp Phước Duyên cao bảy tầng là chứng nhân của sự đổi thay, dâu bể qua bao thế hệ.  Đã trên 400 năm qua, vẫn kiên gan đùa giởn với tuế nguyệt, phong sương. Từ Quảng Trị đi vào theo  quốc lộ 1 (đoạn qua Huế), đến bờ sông Hương rẽ phải, lên chừng năm cây số là đến chùa Thiên Mụ. Chùa chính thức khởi lập năm 1601, thời chúa Nguyễn Hoàng. Truyền thuyết nói rằng : Khi chúa Nguyễn Hoàng đi du ngoạn ngược dòng sông Hương, lên vùng Hà Khê này, nghe người dân kể lại là đêm đêm ở trên đồi này có một bà già mặc áo đỏ, quần lục nói với mọi người rằng :”Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến đây lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch cho nước Nam hùng mạnh” nên chúa Nguyễn Hoàng cho lập chùa, do đó mới có tên là chùa Thiên Mụ. Về sau vua Tự Đức cầu con nối dõi, nhà vua sợ chữ Thiên phạm đến Trời nên đổi tên chùa thành
chùa Linh Mụ. Trước đây chùa rất quy mô rộng lớn, tháp Phước Duyên 7 tầng cao 21 mét,mỗi tầng  đều có thờ tượng Phật, tầng trên hết có thờ tượng Bổn Sư bằng vàng; có đình Hương Nguyện, trong chùa có điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, tàng Kinh các vv…Trận bão năm 1904 đã tàn phá, hư hỏng rất nhiều, những công trình khác, tháp Phước Duyên còn nguyên vẹn. Quả chuông lớn đã bị mất.
            Chúng tôi đi thăm tất cả những nơi thờ tự. đãnh lễ Phật, đi thăm tháp của Ôn Đôn Hậu, chúng tôi diễu ba vòng quanh tháp rồi đi ra. Ngang qua nhà để xe, chúng tôi thấy một chiếc xe cũ còn loang lỗ vết lửa cháy. Chiếc xe là kỷ vật, là chứng tích đàn áp Phật Giáo đến đỉnh điểm. Chiếc xe chở Ngài Quảng Đức tự thiêu cúng dường Chư Phật lúc 09 giờ sáng  ngày 11, tháng 6 năm 1963 (20.4.Quý mão), tại ngã tư đường Phan Đình Phùng, Lê Văn Duyệt Sài Gòn (cũ) để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm ra tay đánh đập,  giết chóc, khủng bố Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam. 






              Anh em đứng đây chụp một tấm hình lưu niệm.  Chùa Thiên Mụ, trước đây là một thời vang bóng cảnh đẹp của Phật Giáo nói chung, và là thắng cảnh Phật Giáo của Huế nói riêng. Tất cả đều nhờ Hòa Thượng Thạch Liêm bỏ biết bao công lao xây dựng nên. Đoàn chúng tôi trở lại, qua cầu đúc lên chùa Từ Hiếu, nằm phía hữu ngạn sông  Hương theo hướng Nam Giao. Ngang qua chùa Từ Đàm, nơi đây là cái nôi, là lịch sử của Phật Giáo miền Trung,  một thời là cứ địa của cuộc vận động tranh đấu của Phật Giáo. Nay không còn mang dấu ấn và khí phách anh hùng của một thời oanh liệt. Chúng tôi cảm thấy nghẹn ngào… Đã gần tối, chúng tôi vào chùa Từ hiếu, trụ xứ của Hòa Thượng cố vấn giáo lý, giáo hạnh của GĐPT. Việt Nam – Ngài Thích Thái Hòa. Trời gần tối nên chúng tôi tranh thủ xem qua một vài nơi,  không tiện đi đâu mà chỉ mong muốn gặp, thăm và vấn an  Hòa Thượng. Tưởng cũng nên nói qua một chút về ngôi chùa có thắng cảnh đẹp đẽ và tiếng tăm nầy : Năm 1843, Hòa Thượng Nhất Định, sau khi từ chức Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự ở chùa Bảo Quốc, đến đây khai sơn, dựng Thảo Am để tịnh tu và phụng dưỡng mẹ già. Hòa Thựơng nổi tiếng là người có hiếu. Tương truyền, một lần mẹ ngài bệnh nặng, có người ái ngại bảo ngài đi mua thịt, cá về tẩm bổ may ra bà qua khỏi. Ngài bỏ ngoài tai lời dị nghị, băng rừng lội suối ra chợ mua cá về nấu cháo cho mẹ ăn, quả nhiên khỏỉ bệnh. Vua Tự Đức là một ông vua rất có hiếu với mẹ, nghe chuyện rất cảm  phục nên ban cho tên chùa là “Sắc Tứ Từ Hiếu Tự”. Chùa mang tên là chùa Từ Hiếu từ đó. Trước cổng chùa có ngôi tháp  ba tầng. Cổng chùa xây hình vòng cung hai tầng, vào khỏi cổng là hồ bán nguyệt trồng sen, nuôi cá kiểng. Hai bên sân chùa có hai nhà bia ghi lịch sừ xây dựng chùa. Chùa xây theo kiểu chữ khẩu. Chung quanh chùa cây cối mát mẽ có mấy lăng mộ, nghe nói đó là lăng mộ của các phi tần và thái giám của vua. Đây là một ngôi chùa có vị trí và quang cảnh rất đẹp.  Thượng Tọa tiếp chúng tôi      thiền đường. Ngài dặn dò chúng tôi cần đề cao cảnh giác kẻo bọn xấu lợi dụng, tin tưởng tuyệt đối vào giáo lý của Đức Phật. Chúng con xin y giáo phụng hành. Khi từ giả, Thượng Tọa tặng anh em mỗi người một quyển sách. Tạm biệt Từ Hiếu, chúng tôi   tìm đi bằng con đường ngắn nhất về Phú Bài để nghỉ lại tại nhà Anh Hoàng, Chị Hà như đã hẹn hồi chiều. Anh, Chi Hoàng, Hà tiếp đón chúng tôi rất thân mật niềm nở. Anh Ngô Phước Hoàng, Chị Phạm Thị Hà, trước đây ở  Xà Bang, Huynh trưởng cấp Tín, anh Hoàng có thời là Trưởng Ban Hộ Tự chùa Lạc Bang, là Gia Trưởng GĐPT Khánh Lạc, là ủy viên BHD/GĐPT tỉnh BRVT; Chị Hà là LĐT, Thủ quỹ GĐPT Khánh Lạc, là Ủy viên BHD/GĐPT/BRVT. Anh, chị phải về quê ở để hương khói cho Tổ tiên, phụng dưỡng mẹ già đang gần trăm tuổi do sự sắp xếp người anh – Thượng Tọa Thích Phước Trí . Do vậy mà anh em còn có mối liên hệ và quan tâm đến nhau. Anh em lâu ngày gặp nhau, chia sẻ, tâm sự suốt đêm. Nhà Anh ở gần cầu Phú Bài, hứa rằng nếu ai ra Huế, Quảng Trị tiện dịp ghé thăm anh, Chị. Cảm ơn anh Hoàng chị Hà đã tiếp đãi. Sáng ngày sau, 26.6 Giáp thân, sau khi từ giả anh, chi Hoàng, Hà, vấn an cụ bà lần nữa, chúng tôi trở lại chợ Đông Ba – Huế - mua một vài món quà  về biếu cho gia đình và người thân. Mấy chục năm rồi nay mới có dịp dạo quanh chợ Đông Ba, vẫn phồn hoa, đô hội; vẫn náo nhiệt như xưa. Ngoài những mặt hàng đặc sản, hàng hóa bây giờ phong phú và đa dạng hơn nhiều. Tạm biệt Đông Ba, tạm biệt Huế thân yêu, hẹn ngày gặp lại…



     Xe trực chỉ phương Nam bon bon trên quốc lộ 1, qua khỏi Huế, Phú Bài, Lăng Cô và bây giờ là Đèo Hải Vân. Có lẽ trên đèo vừa thấy mây vừa thấy nước nên gọi là Hải Vân chăng ? Đứng trên đèo nhìn biển rộng mênh mông, một màu xanh thẩm xa tận chân trời; nhìn  núi rừng trùng điệp bao la cao tận mây xanh, không biết có ai đó nhớ đến Bà Huyện Thanh Quan khi qua đèo Ngang không nhỉ ?…!



     Chúng tôi cũng rất lo, tài xế một mình, chạy ròng rã gần mười ngày, nay bảo đảm chạy suốt đêm hôm nay để ngày mai có mặt tại Ngải giao? Đến Quảng Ngãi nghỉ ngơi ăn tối rồi lên xe đi luôn. Bây giờ trên xe im lặng, không như những ngày đầu đi ra, háo hức và nôn nóng vì còn khỏe còn hăng hái, giờ ai nấy đều rã rời do đã mệt nhọc chín ngày qua. Dù có đoạn xe lắc lư nhưng vẫn ngủ ngon lành. Bác tài luôn phải dán mắt ra phía trước đường, hai tay nắm chặt “vô lăng”. Chúng tôi muốn dừng lại Lương Sơn một chút để ghi vào trong đầu óc cảnh tượng nơi đây (?). nhưng trời đêm không tiện, nên thôi. 
Anh em ơi ! Đến Phan Thiết rồi. Trên đường về, chúng tôi ghé Hàm Thuận Bắc chỗ đường vào Núi Chùa, thăm anh Trần Văn Đức, trước đây ở Thị trấn Phước Bửu, nay ra làm ăn sinh sống ở đây. Có lẽ lúc  này cũng mới 6 giờ 30. Nước nôi, thăm hỏi nhau xong, đoàn lên đường trở về không qua Tân Phong mà theo đường cũ, đến ngã ba 46 rẽ về quốc lộ 55. Trả Sư cô và các anh ở Xuyên Mộc xuống chùa Viên Hưng, nơi xuất phát chuyến đi, qua Ngãi Giao  trả Anh Tâm Chế, Thiện Thọ, Tâm Mẫn, chị Không Phiên, xuống Đức Mỹ, anh Tâm Sáng và chị Diệu Ân xuống. Cuối cùng, lên Xà Bang cho Tâm Triển, Nguyên Công, Tuệ Hòa về nhà. Cảm ơn tài xế Hợp đã đưa chúng tôi đi đến nơi, về đến chốn an toàn. Cản ơn bà Tịnh chủ xe. Bây giờ là 08 giờ 30 . Kết thúc chuyến tham quan 9 ngày, 9 đêm thành công.
    Nhân đây chúng con cũng xin tri ân  vô lượng    công đức của :
   - Thượng Tọa Thích Thái Hòa trú sở chùa Từ Hiếu – Huế
   - Thượng Tọa Thích Phước Châu, chùa Sắc Tứ Quảng Trị
   -  Thượng Tọa Thích Trí Tựu chùa Thiên Mụ - Huế.
   - Quý Thượng Tọa chùa Long Động -  Trúc Lâm Yên Tử, Quảng Ninh.
   - Quý Thượng Tọa chùa Thiên Trù, Hương Sơn, Hà Tây.
   - Quý Thượng Tọa chùa Côn Sơn, Kiếp Bạc.
   - Quý Sư Ông, Sư Thầy chùa Đậu (chùa Pháp Vũ) Hà Đông.
   - Quý Sư Cô chùa Bồ Đề -  Hà Nội.
   - Ni Sư chùa Cần Linh, Nghệ An.
       Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn :
   - Ban Quản lý khu di tích lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội.
   -  Ban Quản lý khu di tích lịch sử chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn Hoàn Kiếm.
   -  Ban Quản lý khu du lịch Chùa Hương – Hà Tây.
   - Ban Quản lý khu du lịch Phong Nha Kẻ Bàng – Quảng Bình.
      -  Ban Hộ Tư và đạo tràng chùa Cao Xá Gio Linh, Quảng Trị; gia đình anh chị Phan ở Bãi Cháy – Hạ Long; gia đình anh chị Ngô Phước Hoàng ở Phú Bài, Thừa Thiên. Đặc biệt, Chúng con xin cung kính tri ân vô vàn công đức Sư Cô Thích Nữ Nhật Hạnh, Cố vấn Giáo Hạnh GĐPT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu -  trụ trì chùa Viên Hưng , Xuyên Mộc đã tài trợ một phần tài chánh, cố vấn và chịu khổ, đồng hành với đoàn từ Bà Rịa Vũng Tàu ra Bắc và trở về.
     Tất cả đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho đoàn chúng tôi hoàn thành tốt chuyến tham quan quý giá và bổ ích nầy.
    Tháng 7 năm 2004

Tâm Triển  Hoàng Kim Liên











2 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...

Ghé thăm chủ nhà, thân chúc mùa Giáng sinh vui vẻ và năm mới 2015 hạnh phúc!

http://2.bp.blogspot.com/-WF9DKmiOXDU/VJQo8Sf7X5I/AAAAAAAABMA/9z2RnTYwVkQ/s1600/pd.gif

tamtriem.blogspot.com nói...

Cảm ơn Phú đã ghé thăm. Chúc Phú và gia đình hưởng mùa giáng sinh vui vẻ
Chúc tết 2015 hạnh phúc.