CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

BÁNH GIẦY





            Bánh giầy đã có từ lâu, từ đời vua Hùng Vương, trong lịch sử cũng có nhắc đến sự tích này. Chuyện kể: Vua Hùng sau khi đã ổn định được đất nước, Ngài bảo với các con rằng, nước nhà thanh bình rồi các con hãy làm mỗi người một món gì đó tùy ý để đem dâng cúng liệt tổ liệt tông. Những người con nghe cha bảo như vậy thì ra sức tìm kiếm khắp nơi, đưa về bao nhiêu sơn hào hải vị để làm một món ăn thật ngon lành, đặc sắc dâng lên mong được vua cha để ý đến. Bao nhiêu món ngon vật lạ, bao nhiêu đầu bếp tài giỏi được huy động để làm.

           
Nhiều món ăn rất ngon, rất đẹp mắt, rất lạ chưa từng thấy bao giờ. Vua cha xem qua một vòng thấy món nào cũng ngon cả, đẹp cả tuy nhiên nó vẫn tầm thường vì ngày nào vua cũng đều thưởng thức các món như vậy, nhà vua đi lại mâm cuối cùng, chỗ không có người nào xem cả, duy nhất có hai vợ chồng chủ nhân mâm cổ mà thôi. Nhà vua lúc đầu cũng ngạc nhiên vì mâm cỗ sơ sài, duy nhất và dân giả chỉ hai thứ bánh. Nhà vua ăn thử thấy rất ngon (bởi thường ngày ăn đồ cao lương mỹ vị quá nhàm chán), người con giải thích ý nghĩa của món ăn: Đó là món bánh chưng và bánh giầy, tất cả đều làm bằng thổ sản tự mình sản xuất ra, đó là gạo nếp và ngũ cốc (năm loại đậu) không có gì khác. Bánh làm bằng gạo nếp còn nhân làm lằng đậu, bánh giầy hình tròn tượng trưng cho trời (trời tròn), bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất (đất vuông), chung quang được gói bằng lá chuối hay lá dong, tượng trưng cho sự an ninh bền vững của nước nhà. Nhà vua rất hài lòng về món bánh chưng, bánh giầy này
            Tôi chỉ nói về món bánh giầy nầy. Làng tôi là làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, dân làng sống hiền hòa bên bờ sông Bồ Điền ( thường gọi là sông Kênh Hòm hay sông Bến Ngự), phía sau làng là những đồi cát tráng chạy dài từ đầu làng đến cuối làng, dân luôn bảo tồn những di sản văn hóa dân tộc mà họ có được như trò chơi Cướp Cù, những lễ nghi truyền thống như cúng kỵ, ma chay cưới hỏi v.v…Về ẩm thực thì cũng có những loại đặc sản như lúa “De Con”, nếp “Kỳ lân” và đặc biệt là món bánh giầy mà thường niên vào các lễ cúng đình, lễ xuống cấy, lễ cầu bông, cầu chẹn, giỗ chạp họ đều làm món bánh này. Bánh giầy không có gì gọi là ngon cả, tùy theo khẩu vi và sở thích cũng có thể có người không thích, bánh để lâu trên 24 tiếng thì bị cứng lại, muốn ăn phải nướng trên bếp than. Ở dây tôi chỉ nói đế món ăn truyền thống của dân tộc được lưu truyền mà làng tôi còn giữ đươc, còn ở đâu có nữa thì tôi không rõ.
            Bánh giầy làm bằng gạo nếp, nếp được chọn kỹ không lộn gạo tẻ vào khi giả bánh bị nổi hột, nếp thật dẻo, nhân làm bằng đậu đen, đậu đỏ hay đậu xanh đải vỏ, có người làm nhân với mè, đường hay đậu phụng đường. Muốn làm 100 cái bánh thì phải có 15loon gạo nếp, vò sạch cám, ngâm nước chừng 7 đến 10 tiếng đồng hồ trước khi hông. Dụng cụ để giả, ngày xưa người ta dùng mo cau khô; mo cau phải to, dài chừng 70 cm, rộng chính giữa chừng 40 cm, phơi khô, dùng phía lưng, để “làm cối”, chày thì dùng chày tay, một đầu cũng bịt bằng mo cau, trước khi giả bánh phải xoa một lớp chống dính lên cối và chày bằng ngòi đỏ trứng gà (ngày xưa) hay dầu ăn (bây giờ), hiện giờ người ta dùng bao tải đựng gạo bằng sợi ni long rửa sạch, phơi khô để dùng làm cối và bịt chày. Nhân bánh, đậu người ta cũng ngâm qua để đải võ trước khi nấu chính, thêm một chút đường hoặc bột ngọt với bột tiêu, để nguội, vo tròn bằng trái nhản. Gạo nếp được hông khoảng 30 đến 45 phút thành xôi, lá chuối lành được lau sạch xé thành miếng nhỏ bằng ba ngón tay cái, lấy kéo cát vuông. Tất cả đã chuẩn bị  xong xuôi. Trước khi giả bánh phải có hai người giữ mo, một người trở bánh và một người giả. Mo cối được đặt trên chiếc chiếu, mọi người vào vai khi xôi được đổ ra trên cối, người trở bánh có nhiệm vụ dàn trải lật qua lật về và ra dấu cho người giả nên giả chỗ nào, thường thì họ giả về phía họ đứng để khỏi giả vào tay người trở, còn hai người giữ cối phải nắm chặt và đè xướng đừng cho mo cối kéo lên. Khi thấy cối bánh đã nhuyển thì ngưng giả, bây giờ bánh còn nóng hổi thành một khối đặc, và người trở bánh có nhiệm vụ ngắt khối này ra từng viên nhỏ bằng quả trứng vịt. Bây giờ người ta lấy một viên nhân nắn bỏ vào giữa, bít nhân lại bỏ vào giữa lòng bàn tay vo cho tròn, láng bóng, xong đặt lên miếng lá chuối đã có sẵn, lấy hai ngón tay đè xuống một chút là có cái bánh giầy trong rất đẹp mắt và thèm cắn ngay.
            Làm bánh giầy thì đơn giản thôi nhưng khi diễn tả ra từng giai đoạn thì dài dòng như là mất công lắm nhưng thật ra nó còn nhanh hơn bánh chưng
            Món ăn truyền thống của dân tộc đã trải qua hàng ngàn năm, tưởng nó sẽ bị quên lảng bởi nhiều món ăn đặc biệt khác nhưng nó vẫn giữ được đến ngày hôm nay cũng là điều đáng được ghi nhận và chúng ta cũng nên quãng bá cho mọi người biết và thưởng thức hương vị bánh giầy (béng chì). Ai muốn, xin mời về làng tôi.
                                                                                                                       Hoàng Kim Liên