CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

CẢM NGHĨ VỀ HỌP MẶT CỦA ÔNG BÀ NGOẠI


                                                                                                           Trần Hoàng Ngọc Trâm
        

  Cháu là Trần Hoàng Ngọc Trâm, quê nội ở Gò Công Đông, Tiền Giang; quê ngoại ở Gio Linh, Quảng Trị. Cháu sinh và lớn lên ở Xà Bang, Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu. Cháu chưa một lần về thăm quê nội, quê ngoại. Chúng cháu thừa hưởng di truyền của đôi bên nên học hành cũng tương đối giỏi.          
       Lâu nay cháu cứ nghĩ là còn trẻ như chúng cháu mới tổ chức họp mặt lớp cho vui, cho nên có lần thấy Ông, Bà ngoại chở nhau đi họp mặt bạn bè, trường lớp vào mỗi đầu xuân, cháu ngạc nhiên vô cùng, cháu cười Ông Bà ngoại : “Ông Bà ngoại già rồi mà còn đi họp mặt trường, lớp nửa như còn trẻ thế hả?”. Cháu không tin bởi vì chúng cháu còn trẻ, bạn bè còn đó, trường lớp còn đó rất dễ gặp nhau, thế mà mỗi lần họp chẳng được bao nhiêu đứa, đậu góp, ăn uống, vui chơi rồi về. Còn bạn bè trường lớp của Ông Bà ngoại cách đây năm sáu mươi năm, già cả, mỗi người một nơi, xa nhau cách trở hàng vài ba trăm cây số, làm sao đến với nhau được. Cháu nghĩ thế. Nhưng thật ra thì ngược lại. Cháu không ngờ được. Cháu nghe kể lại và được biết qua mấy quyển “Gio Linh – Quê Hương & Kỷ Niệm” thì cháu kính phục bội phần về tình bạn, tình yêu mến quê hương, tình yêu mến trường lớp, thầy cô của những thế hệ sáu bảy mươi tuổi như ông bà ngoại. Rồi quý vị thầy tiền bối nữa, nay họ đã ngoài bảy tám mươi tuổi, rất yêu mến học trò, rất nhiệt tình đến với nhau, tôn trọng nhau như thế. Có lẽ ý nghĩa sự họp mặt của ông bà ngoại khác hơn. Nó rộng rãi và mang một ý nghĩa sâu xa hơn  nhiều. Không biết ngày xưa, quý thầy un đúc, dạy dỗ học sinh như thế nào mà bây giờ người nào cũng sáu mươi tuổi trở lên, vẫn luôn gặp gỡ thăm hỏi, chia sẻ vui buồn, yêu quý, mến phục nhau như vậy. Không những bạn cùng lớp mà bạn cùng trường, học cách nhau ba bốn năm vẫn đối đãi vui vẻ, ân cần, trân quý, tình cảm dạt dào hiếm có.
          Được biết trường lớp cũ của ông bà ngoại học ngày xưa bị chiến tranh tàn phá, không còn nữa, nhưng trong trí tưởng tượng của cháu, trường của ông bà ngoại học ngày xưa rất oai phong và đẹp đẽ. Sân trường được tô điểm bằng những cây phượng vĩ đỏ thắm vào mỗi hạ về, những học sinh rạng rỡ với áo quần trắng, tóc thề thật dễ thương và đẹp đẽ. Quý thầy thì oai nghiêm, đức độ… Vì vậy mà ai nấy nhớ trường, nhớ lớp, kính quý thầy cô đến thế. Bạn bè của ông bà ngoại mỗi người một nơi, rải rác khắp các tỉnh, hơn nữa, bây giờ là Ông, Bà nội ngoại cả rồi mà hễ gặp gở  bạn bè hay có những chuyện vui buồn nào đó là tìm đến nhau, chia sẻ, an ủi, không ngần ngại chần chờ. Mỗi lần ông bà ngoại đi họp mặt về là thấy tinh thần phấn khởi, vui vẻ hẳn lên.
          Trong tư tưởng của ông ngoại (qua thơ văn ông sáng tác), ông ngoại rất yêu mến quê hương, quý trọng người đồng hương và bạn bè của mình lắm. Còn chúng cháu thì có lẽ còn trẻ hoặc không có một quê hương nhất định nên chưa có một khái niệm gì trong đầu về thương nhớ quê hương cả.
          Bạn bè cố tri của ông bà ngoại thường hay lui tới thăm viếng, điện thoại hỏi thăm sức khỏe của nhau luôn. Gần tết âm lịch là ông bà ngoại chuẩn bị kế hoạch cho ngày họp mặt rồi. Cháu thấy tư cách, tác phong và lối sống của những người già như ông bà ngoại và bạn bè ông bà ngoại, chúng cháu rất bội phục và kính nể vô cùng. Chúng cháu nguyện cố gắng trau dồi đạo đức, học theo quý ông bà để được trở thành người tốt.

Cháu ngoại của ông Hoàng Kim Liên :
TRẦN HOÀNG NGỌC TRÂM

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

QUÁN PHƯỢNG



              QUÁN PHƯỢNG

     -   Cho tôi xuống Quán Phượng bác tài nghe.
     -   Vâng.
         Chuyến xe tốc hành Bắc – Nam, biển số 36 N…từ bến xe Miền Đông đi Hà Nội, chạy được 10 km từ khi người hành khách xin xuống xe, xe từ từ dừng lại ngay ngả ba, bên vệ đường, một giọng Nam đặc sệt:
     -   Đến Quán Phượng rồi bác ơi !
    Một người khách với hành lý trên tay xuống xe. Bây giờ khoảng 3 giờ sáng. Trời Gio Linh vẫn tối om và lạnh. Không lâu sau, một chiếc xe từ Bắc vào cũng dừng ngay chỗ đỗ xe ban nảy, một người khách đi Hãi phòng vào, xuống xe.   
      Một tài xế xe Bắc Nam, không phải là cư dân Gio Linh mà biết dừng đúng chỗ tại một địa điểm của một thị trấn nghèo có quốc lộ 1 chạy ngang qua. Vì nghề nghiệp. Đúng, họ có thể thông thuộc đường sá hay bất cứ một chỗ nào đó trên đường họ thường đi qua. Những điểm như vậy đã nằm sẳn trong lòng họ, và Quán Phượng cũng thế. Như vậy không những người dân Gio Linh, Quãng Trị nói riêng mà cả nước – một số - nói chung đều đã biết đến Quán Phựơng của thị trấn Gio Linh. Còn như một người dân Gio Linh mà không biết đến Quán Phượng thì không thể nhận mình là dân Gio Linh được.
     Nhưng tại sao lại có tên Quán Phượng? Sao không phải là Quán Gió, Quán Mây, hay Quán Trăng chẳng hạn mà là Quán Phượng. Có mấy ai biết đến lai lịch của nó chưa? Hoạ chăng mấy cụ già ở làng Hà Thượng mới biết rỏ mà thôi.
     Nói về địa điểm, đúng hơn là “ Ngả Ba Quán Phượng”. con đường liên hương lộ từ Gio Mỹ, Gio Thành, Gio Hãi đi lên nối liền với quốc lộ 1A, ngang qua cầu Bến Ngự, Lại An, cầu Bến Sanh và ngang qua giữa làng Hà Thượng. Ngày trước, cách đây chừng 50 năm, trung tâm hành chánh của Gio Linh, chợ búa đều nằm ở bãi đất cát Hao Hao, giữa làng Lại An với Hà Thượng. Con đường từ ngả ba Quán Phượng đi về là con đường đất đỏ, đường nhỏ đủ cho hai xe tránh nhau, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bặm, rủi cho ai đi đường gặp phải chiếc xe chạy qua thì hứng lấy một màu đỏ. Ngả ba Quán Phượng cách cầu Hiền Lương chừng 8km, cách Đông Hà chừng 11 km. Vị trí, “toạ độ” của Ngả ba Quán Phượng là thế. Nhưng… có ai biết được nguyên nhân nào có tên Quán Phượng ?
     Có thể…
     …Cách đây chừng sáu, bảy mươi năm ( hay 100 năm không chừng ), ngay chỗ ngả ba ấy có một đôi vợ chồng già không có con, mở một quán nhỏ bán nước chè xanh phục vụ cho khách qua đường dừng chân nghỉ ngơi đỡ mệt khi họ từ “hạ bạn” lên “biệt nguồn” mua thổ sản, trái cây về dùng hay bán lại kiếm lời trong những ngày tháng nông nhàn hay người bộ hành từ Vĩnh Linh vào Đông Hà mua sắm. Họ dừng chân nghỉ ngơi, uống bát nước chè xanh, ngồi ngắm từng chùm hoa phượng đỏ đong đưa trước gió của một cây phượng già rủ bóng im mát. Có những cô cậu học trò tung tăng nhảy lên hái một vài hoa ép vào vở khi mỗi độ hè về.
     Rồi thời gian trôi qua, trôi qua không ai để ý đến, đôi vợ chồng già cũng không còn nữa, còn chơ vơ chiếc quán tranh nghèo bên gốc cây phượng rũ buồn, nó không muốn nhưng phải đỏ hoa mỗi hạ về, xác hoa rụng tả tơi phủ đầy trên nóc quán một màu  nâu bầm hanh hao, mà có lẽ trong lòng nó cứ nhớ thương cho hai người bạn già đã bao năm cùng gắn bó...
 
       Cũng có thể là… Có thể là …
     … Một cái chòi tranh bên kia ngả ba dường – một cái quán bán bún xáo, nước trà – của một cô gái bán phụ mẹ để kiếm sống qua ngày.
     Khách khứa là những người qua đường, lỡ bước, vào quán ăn bát bún lót dạ. Bát bún nóng hổi, bốc khói, mùi thơm của ném củ, tiêu tươi, với kỹ thuật nấu nướng của chủ quán xông lên mũi cộng với chén trà hương vị đặc trung “Mai Hạc” đã níu chân khách thêm đông. Họ đến để ăn uống rồi mà còn ngắm nhìn đoá hoa đồng nội đẹp tự nhiên trong bộ đồ đen làm nổi bật làn da trắng nỏn nà, nhất là mùa gió heo may về, vừa khô vừa lạnh mà đôi má cô gái vẫn hồng hào, trên môi luôn nở nụ cười. Ôi ! Nụ cười và đôi mắt đen buồn như muốn hớp hồn những chàng thư sinh qua quán. Cô gái đồng quê có  mái tóc đen dài óng mượt, phủ xuống ngang thắt lưng, được cắt rất bằng bặn. Phượng – tên cô gái – có vẻ dịu dàng, ngoan hiền và lanh lẹ (có lẽ những bát bún nóng hổi bốc khói lên mặt làm cho đôi má cô gái hồng chăng ?).
     Ngày kia, có một chàng trai không ngăn nổi con tim khi đến quán đôi ba lần. Đối với anh chàng, quán ngon không phải vì bún mà vì nét xuân thì duyên dáng của cô gái bán quán. Họ liếc mắt đưa tình rồi dần dà cảm mến nhau, “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, và rồi có thể không một lời hứa hẹn. Rồi một ngày không báo trước, chàng trai không đến nữa, bặt vô âm tín, làm cho Phượng buồn rầu nhớ nhung, trông ngống, ra ngẩn vào ngơ. Bẳng đi một thời gian khá lâu, ngày nọ, chàng trai trở lại với bao hy vọng chất chứa trong lòng mong được gặp người trong mộng để thoả nỗi nhớ thương. Nhưng… quán đã đổi chủ thay người. Cảnh vật vẫn như cũ mà người xưa vắng bóng. “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” . Trong tâm tư của chàng buồn nảo nuột, quán tranh nghèo xơ xác, mưa phùn, gió bấc lạnh buốt cả tâm can. Chàng trai buồn tình, thất vọng, thất thểu bước đi sau khi trồng lên bên quán một cây phượng để kỷ niệm mối tình vô vọng của mình.
     Năm tháng trôi qua, cây phượng cứ vô tình xanh tốt phun lửa hồng từng mùa hạ. Người qua đường dừng chân nghỉ dưới gốc phượng bên quán tranh nghèo, thản nhiên, đâu có biết rằng ở đó – Quán Phượng – có một “thiên tình sử”… “Trăm năm vì chẳng hẹn hò, Cây phượng quán vắng con người khác xưa”.
     Còn các cụ bô lão sống ở đây lâu năm thì kể một cách rành rỏi và chắc chắn – như đinh đóng cột  - rằng :
      Ngày xưa, lâu lắm đã có ngả ba nầy rồi nhưng chưa có tên Ngả Ba Quán Phượng. Cách nay chừng năm sáu mươi năm, có một cô gái tên là Võ Thị Phượng, người ở trong làng Hà Thượng nầy dựng một cái quán bên kia ngả ba, bán bún để mưu sinh, lúc đó cô gái còn trẻ đẹp trong độ tuổi xuân thì, được nhiều người biết đến. Nhất là trong khoảng từ năm 1958 đến năm 1967 Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đóng ở Dốc Miếu, lính tráng qua lại tấp mập, phương tiện giao thông – có xe đò – qua lại. Ngả ba nầy là chỗ dừng chân để đón hoặc xuống xe vào Đông Hà, Quãng Trị cho nên gọi là Ngả Ba Quán Phượng nên được nhiều người biết đến là thế. Từ năm 1967 đến năm 1972, chiến tranh xẩy ra ác liệt ở vùng địa đầu giới tuyến, người dân Gio Linh phải bỏ hết ruộng vườn, nhà cửa, mồ mã chạy khỏi quê hương để thoát thân. Cô Phượng cũng biệt tích từ đó. Sau năm 1975, chiến tranh kết thúc, chỗ quán cũ của cô Phượng trước đây, bây giờ cũng có một quán bún, không phải của cô Phượng mà là của một người khác. Ngả ba bây giờ đường sá tráng nhựa rộng rãi, nhà cửa, lầu đài mọc lên san sát, tấp nập người qua kẻ lại, xe cộ có vẻ sầm uất lắm. Là trung tâm hành chính của huyện lại là thị trấn nên kinh tế, văn hoá giáo dục đều tập trung tại đây. Có một điều là cây phượng không thấy còn tồn tại nơi quán cũ . Nhưng chắc chắn một điều rằng địa điểm – địa chỉ - Quán Phượng luôn tồn tại trong lòng người dân khi dân vùng hạ bạn như Gio Mỹ, Gio Thành muốn vào Nam hay ra Bắc đều đón xe hay xuống xe ở ngả ba Quán Phượng.
     Ngả ba Quán Phượng không phải là một di tích lịch sử, văn hoá hay là một danh lam thắng cảnh gì nhưng lại được người dân quan tâm lưu ý không những trong hiện tại mà có lẽ trong tương lai cũng thế vì nó có một phần gắn liền với cuộc sống của họ./-

                                           Hoàng Kim Liên  

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

HÌNH ẢNH ĐÁM CƯỚI 2 CHÁU LUỸ - THẢO















TÌNH MẸ VỚI CÁT QUÊ NHÀ

Mai Chức


Thắm thoắt đã gần 3 năm rồi, từ ngày mẹ tôi vĩnh viễn đi xa, hôm nay tôi ngồi trước bàn thờ mẹ viết những dòng này, lòng thấy buồn và nhớ mẹ vô cùng. Thương mẹ tôi một đời buồn khổ, tuổi thơ mẹ chịu nhiều bất hạnh. Ông ngoại tôi chỉ sinh được hai người con gái, mẹ đang tuổi được nâng niu chiều chuộng, thương yêu thì ông ngoại qua đời sớm, hai chị em phải côi cút thiếu tình cha, sau đó bà tôi phải bước thêm bước nữa, cũng may là ông ngoại đời sau hết lòng thương yêu con đời trước, các em cũng quý mến chị vô cùng, nhà ngoại tôi cũng thuộc hàng khá giả, nên cuộc sống mẹ tôi cũng được ấm êm, đùm bọc thương yêu, nhưng chẳng bao lâu thì dì tôi – chị của mẹ - ngã bệnh ra đi khi chưa kịp mặc áo cưới, chắc mẹ tôi buồn lắm, không còn nước mắt để mà khóc chị. Chỉ biết trách trời sao số phận quá hẩm hiu, đau thương mãi dồn dập. Nhưng rồi thời gian vẫn cứ trôi, mẹ vẫn lớn lên theo cuộc sống từng ngày, để sau này lấy cha tôi, một nông dân nghèo cũng mồ côi mẹ, ông nội phải gà trống nuôi con, có lẽ cùng cảnh ngộ và thấu hiểu nỗi đau của cuộc đời, nên cha mẹ tôi sống chung thủy và yêu thương nhau đến tuổi già.
Về làm dâu nhà chồng, mang theo mấy sào ruộng ngoại cho, sống lam lũ quanh năm, mẹ lo toan đủ điều, xoay sở tính toán, nào giỗ chạp, tết nhất, họ hàng nội ngoại, cha tôi thì tính tình phóng khoáng, rộng rãi với bạn bè, vì thế mà mẹ tôi phải lo nhiều hơn, vất vả nhiều hơn. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mẹ khổ nhiều, mà các con thì chẳng giúp được gì cho mẹ.
Tôi thương mẹ một đời khó nhọc,
Lưng mẹ còng vì gánh lúa gánh khoai.
Mẹ không buồn, luôn nghĩ đến ngày mai,
Con khôn lớn là niềm vui của mẹ.
Cuộc sống đang bình yên, khói lam chiều vẫn đong đưa dưới lũy tre làng, bỗng chốc quê tôi đã bắt đầu có bóng giặc, cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Gót giày thực dân đã in dấu trên đường đất làng tôi, nhà mẹ hai lần bị giặt đốt, lúa mang đổ xuống bùn vì sợ nuôi sống Việt minh, các cậu tôi phải từ giã mẹ lên đường đi kháng chiến. Sau Hiệp định Geneve, tưởng đâu đã có hòa bình, hẹn ngày thống nhất, nhưng chỉ được đến năm 1966, dân làng tôi lại lũ lượt ra đi tránh bom đạn Mỹ, mỗi người đi một xứ, bỏ lại sau lưng những ký ức đau buồn, một làng quê dịu  ngọt như trái chín trên cành. Gia đình tôi ly hương từ đó, khi đến sống tại đất Gia Lai thì mẹ đã già gần 70 tuổi, nơi ở mới cuộc sống cũng không khó khăn lắm, nhưng mẹ tôi thương nhớ quê hương  vô cùng, mẹ nhớ như in những tên người, tên đất “nào ông Sang, ông Biểu , Ngõ Đa, Ngõ  Súng”. Cứ mỗi lần nhắc đến quê hương, mắt mẹ tôi nhòa đi vì luôn đòi con cháu dẫn về thăm.
Vén mây nhìn tận quê nhà,
Xa xa vọng tiếng gà gáy trưa.
Lòng buồn mắt mẹ đổ mưa,
Tìm trong nỗi nhớ, tình xưa vẫn đầy.
Có mấy dịp về thăm quê, lần nào mẹ tôi cũng cố mang vào một ít cát quê nhà (làng quê tôi, sau làng có nhiều đôộng cát trắng) , để mẹ đổ đầy vào các lư hương thờ tổ tiên, mẹ tôi thường nói:
“Cát An Mỹ làng ta mịn mà sạch lắm, không như cát ở đây, to hột và nhiều sạn, mấy đứa bây khi mô về quê, nhớ mang vô để bỏ vào bát hương, nhìn vô đỡ nhớ quê, đỡ nhớ làng”. Ôi tình mẹ tôi đối với quê hương sao mà sâu sắc, đậm đà và cảm động đến thế !
Những năm cuối đời, gần 100 tuổi, mẹ tôi “lẫn” đi nhiều, lúc nào cũng chiếc nón lá trên tay, chào hàng xóm, láng giềng, con cháu để về quê, ai nghe cũng cảm động, tôi phải đi tìm hoài, thật tội nghiệp mẹ. Bây giờ thì mẹ tôi đã đi xa, tôi mang được ít cát ở quê vào, đứng trước bàn thờ mẹ, tôi thì thầm: “Chúng con đã mang cát quê mình vào đấy, cát vẫn mịn và sạch như ngày nào mẹ ơi, mẹ có nghe không, tiếng rì rào của gió nồm vang trong cát, tiếng thì thầm rả rích của gió bấc mưa phùn và cả tiếng rít gào của gió Nam Lào  nữa, quê mình đang có ở đây rồi mẹ”. Ôi quê hương như chùm trái ngọt, ai đi xa mới thấy hết vị ngọt của quê nhà, tôi xa quê từ lúc 18 tuổi vì cuộc sống nên cũng ít lần về thăm, nhưng trong giấc mơ bao giờ cũng in dấu tuổi thơ và kỷ niệm buồn vui ở An Mỹ - Gio Linh.
Thắp ba cây hương cắm lên lư hương của bàn thờ mẹ, một làn gió nhẹ lùa qua song cửa, khói ùa vào mặt, tự nhiên tôi thấy chơi vơi, lòng cảm thấy trống vắng bồi hồi rung động đến lạ thường, tưởng đâu mẹ đang hiển hiện ở nơi đâu đây.
Hương thơm khói nhẹ bay bay,
Tôi ngồi nhớ mẹ nghe cay mắt buồn.
Ngoài hiên từng giọt mưa tuôn,
Nghe như trong gió lời buồn mẹ ru.
                                             Pleiku, chiều 26/7/2012
                                                                                Mai Chức