CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

QUÁN PHƯỢNG



              QUÁN PHƯỢNG

     -   Cho tôi xuống Quán Phượng bác tài nghe.
     -   Vâng.
         Chuyến xe tốc hành Bắc – Nam, biển số 36 N…từ bến xe Miền Đông đi Hà Nội, chạy được 10 km từ khi người hành khách xin xuống xe, xe từ từ dừng lại ngay ngả ba, bên vệ đường, một giọng Nam đặc sệt:
     -   Đến Quán Phượng rồi bác ơi !
    Một người khách với hành lý trên tay xuống xe. Bây giờ khoảng 3 giờ sáng. Trời Gio Linh vẫn tối om và lạnh. Không lâu sau, một chiếc xe từ Bắc vào cũng dừng ngay chỗ đỗ xe ban nảy, một người khách đi Hãi phòng vào, xuống xe.   
      Một tài xế xe Bắc Nam, không phải là cư dân Gio Linh mà biết dừng đúng chỗ tại một địa điểm của một thị trấn nghèo có quốc lộ 1 chạy ngang qua. Vì nghề nghiệp. Đúng, họ có thể thông thuộc đường sá hay bất cứ một chỗ nào đó trên đường họ thường đi qua. Những điểm như vậy đã nằm sẳn trong lòng họ, và Quán Phượng cũng thế. Như vậy không những người dân Gio Linh, Quãng Trị nói riêng mà cả nước – một số - nói chung đều đã biết đến Quán Phựơng của thị trấn Gio Linh. Còn như một người dân Gio Linh mà không biết đến Quán Phượng thì không thể nhận mình là dân Gio Linh được.
     Nhưng tại sao lại có tên Quán Phượng? Sao không phải là Quán Gió, Quán Mây, hay Quán Trăng chẳng hạn mà là Quán Phượng. Có mấy ai biết đến lai lịch của nó chưa? Hoạ chăng mấy cụ già ở làng Hà Thượng mới biết rỏ mà thôi.
     Nói về địa điểm, đúng hơn là “ Ngả Ba Quán Phượng”. con đường liên hương lộ từ Gio Mỹ, Gio Thành, Gio Hãi đi lên nối liền với quốc lộ 1A, ngang qua cầu Bến Ngự, Lại An, cầu Bến Sanh và ngang qua giữa làng Hà Thượng. Ngày trước, cách đây chừng 50 năm, trung tâm hành chánh của Gio Linh, chợ búa đều nằm ở bãi đất cát Hao Hao, giữa làng Lại An với Hà Thượng. Con đường từ ngả ba Quán Phượng đi về là con đường đất đỏ, đường nhỏ đủ cho hai xe tránh nhau, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bặm, rủi cho ai đi đường gặp phải chiếc xe chạy qua thì hứng lấy một màu đỏ. Ngả ba Quán Phượng cách cầu Hiền Lương chừng 8km, cách Đông Hà chừng 11 km. Vị trí, “toạ độ” của Ngả ba Quán Phượng là thế. Nhưng… có ai biết được nguyên nhân nào có tên Quán Phượng ?
     Có thể…
     …Cách đây chừng sáu, bảy mươi năm ( hay 100 năm không chừng ), ngay chỗ ngả ba ấy có một đôi vợ chồng già không có con, mở một quán nhỏ bán nước chè xanh phục vụ cho khách qua đường dừng chân nghỉ ngơi đỡ mệt khi họ từ “hạ bạn” lên “biệt nguồn” mua thổ sản, trái cây về dùng hay bán lại kiếm lời trong những ngày tháng nông nhàn hay người bộ hành từ Vĩnh Linh vào Đông Hà mua sắm. Họ dừng chân nghỉ ngơi, uống bát nước chè xanh, ngồi ngắm từng chùm hoa phượng đỏ đong đưa trước gió của một cây phượng già rủ bóng im mát. Có những cô cậu học trò tung tăng nhảy lên hái một vài hoa ép vào vở khi mỗi độ hè về.
     Rồi thời gian trôi qua, trôi qua không ai để ý đến, đôi vợ chồng già cũng không còn nữa, còn chơ vơ chiếc quán tranh nghèo bên gốc cây phượng rũ buồn, nó không muốn nhưng phải đỏ hoa mỗi hạ về, xác hoa rụng tả tơi phủ đầy trên nóc quán một màu  nâu bầm hanh hao, mà có lẽ trong lòng nó cứ nhớ thương cho hai người bạn già đã bao năm cùng gắn bó...
 
       Cũng có thể là… Có thể là …
     … Một cái chòi tranh bên kia ngả ba dường – một cái quán bán bún xáo, nước trà – của một cô gái bán phụ mẹ để kiếm sống qua ngày.
     Khách khứa là những người qua đường, lỡ bước, vào quán ăn bát bún lót dạ. Bát bún nóng hổi, bốc khói, mùi thơm của ném củ, tiêu tươi, với kỹ thuật nấu nướng của chủ quán xông lên mũi cộng với chén trà hương vị đặc trung “Mai Hạc” đã níu chân khách thêm đông. Họ đến để ăn uống rồi mà còn ngắm nhìn đoá hoa đồng nội đẹp tự nhiên trong bộ đồ đen làm nổi bật làn da trắng nỏn nà, nhất là mùa gió heo may về, vừa khô vừa lạnh mà đôi má cô gái vẫn hồng hào, trên môi luôn nở nụ cười. Ôi ! Nụ cười và đôi mắt đen buồn như muốn hớp hồn những chàng thư sinh qua quán. Cô gái đồng quê có  mái tóc đen dài óng mượt, phủ xuống ngang thắt lưng, được cắt rất bằng bặn. Phượng – tên cô gái – có vẻ dịu dàng, ngoan hiền và lanh lẹ (có lẽ những bát bún nóng hổi bốc khói lên mặt làm cho đôi má cô gái hồng chăng ?).
     Ngày kia, có một chàng trai không ngăn nổi con tim khi đến quán đôi ba lần. Đối với anh chàng, quán ngon không phải vì bún mà vì nét xuân thì duyên dáng của cô gái bán quán. Họ liếc mắt đưa tình rồi dần dà cảm mến nhau, “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, và rồi có thể không một lời hứa hẹn. Rồi một ngày không báo trước, chàng trai không đến nữa, bặt vô âm tín, làm cho Phượng buồn rầu nhớ nhung, trông ngống, ra ngẩn vào ngơ. Bẳng đi một thời gian khá lâu, ngày nọ, chàng trai trở lại với bao hy vọng chất chứa trong lòng mong được gặp người trong mộng để thoả nỗi nhớ thương. Nhưng… quán đã đổi chủ thay người. Cảnh vật vẫn như cũ mà người xưa vắng bóng. “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” . Trong tâm tư của chàng buồn nảo nuột, quán tranh nghèo xơ xác, mưa phùn, gió bấc lạnh buốt cả tâm can. Chàng trai buồn tình, thất vọng, thất thểu bước đi sau khi trồng lên bên quán một cây phượng để kỷ niệm mối tình vô vọng của mình.
     Năm tháng trôi qua, cây phượng cứ vô tình xanh tốt phun lửa hồng từng mùa hạ. Người qua đường dừng chân nghỉ dưới gốc phượng bên quán tranh nghèo, thản nhiên, đâu có biết rằng ở đó – Quán Phượng – có một “thiên tình sử”… “Trăm năm vì chẳng hẹn hò, Cây phượng quán vắng con người khác xưa”.
     Còn các cụ bô lão sống ở đây lâu năm thì kể một cách rành rỏi và chắc chắn – như đinh đóng cột  - rằng :
      Ngày xưa, lâu lắm đã có ngả ba nầy rồi nhưng chưa có tên Ngả Ba Quán Phượng. Cách nay chừng năm sáu mươi năm, có một cô gái tên là Võ Thị Phượng, người ở trong làng Hà Thượng nầy dựng một cái quán bên kia ngả ba, bán bún để mưu sinh, lúc đó cô gái còn trẻ đẹp trong độ tuổi xuân thì, được nhiều người biết đến. Nhất là trong khoảng từ năm 1958 đến năm 1967 Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đóng ở Dốc Miếu, lính tráng qua lại tấp mập, phương tiện giao thông – có xe đò – qua lại. Ngả ba nầy là chỗ dừng chân để đón hoặc xuống xe vào Đông Hà, Quãng Trị cho nên gọi là Ngả Ba Quán Phượng nên được nhiều người biết đến là thế. Từ năm 1967 đến năm 1972, chiến tranh xẩy ra ác liệt ở vùng địa đầu giới tuyến, người dân Gio Linh phải bỏ hết ruộng vườn, nhà cửa, mồ mã chạy khỏi quê hương để thoát thân. Cô Phượng cũng biệt tích từ đó. Sau năm 1975, chiến tranh kết thúc, chỗ quán cũ của cô Phượng trước đây, bây giờ cũng có một quán bún, không phải của cô Phượng mà là của một người khác. Ngả ba bây giờ đường sá tráng nhựa rộng rãi, nhà cửa, lầu đài mọc lên san sát, tấp nập người qua kẻ lại, xe cộ có vẻ sầm uất lắm. Là trung tâm hành chính của huyện lại là thị trấn nên kinh tế, văn hoá giáo dục đều tập trung tại đây. Có một điều là cây phượng không thấy còn tồn tại nơi quán cũ . Nhưng chắc chắn một điều rằng địa điểm – địa chỉ - Quán Phượng luôn tồn tại trong lòng người dân khi dân vùng hạ bạn như Gio Mỹ, Gio Thành muốn vào Nam hay ra Bắc đều đón xe hay xuống xe ở ngả ba Quán Phượng.
     Ngả ba Quán Phượng không phải là một di tích lịch sử, văn hoá hay là một danh lam thắng cảnh gì nhưng lại được người dân quan tâm lưu ý không những trong hiện tại mà có lẽ trong tương lai cũng thế vì nó có một phần gắn liền với cuộc sống của họ./-

                                           Hoàng Kim Liên  

Không có nhận xét nào: