CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

THÚ CHĂN TRÂU




“Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
……”
      Nếu nói cho cùng, ngày xưa, nghèo khổ mới đi chăn trâu, nghèo khó, con cái phải giúp cha mẹ bớt gánh nặng, đi ở chăn trâu cho nhà giàu kiếm cơm ăn. Một phần nào đó khổ về vật chất hay bị hạn chế về kiến thức sau này lúc ra đời để đối phó với hoàn cảnh, chứ bản chất của việc chăn trâu thì không khổ. Chăn trâu được tư do, tự tại, đươc làm những gì mà mình thích trong tuổi ấu thơ. Khi ra đồng chăn trâu thì bao nhiêu trò vui chơi, trò nghich ngợm theo sau, tha hồ nhảy nhót vui đùa mà không bị hạn chế miển sao cho trâu ăn no, không xâm hại đến mùa màng, hoa màu…của mọi người khác.

Tuổi thơ của tôi đã một phần đắm chìm trong thú vui của chăn trâu, chăn bò. Từ tám tuổi cho đến mười ba tuổi, trong năm anăm chăm trâu bò, biết bao nhiêu là kỷ niệm và cũng ngần ấy kinh nghiệm. Bây giờ nhớ lại cảm thấy vui và cũng rất nhiều điều giúp ích trong cuộc sống.
        Để thích nghi với hoàn cảnh, lủ chăn trâu bò cũng tự mình sáng tạo ra nhưng trò chơi, kiểu chơi hay, phải tập cho nhuần nhuyển những việc mà chẳng ai dạy bảo nhưng phải biết như khi trâu bò qua sông phải làm sao qua bờ bên kia để lùa về do đó mà đám chăn trâu bò ở thôn quê hầu hết đều biết bơi. Chúng tôi còn tổ chức bơi thi với nhau: bơi nhái, bơi sải, bơi ngữa vv…Chẳng cần ai dạy cả, cứ tự mình ra những vũng nước có bờ soai soải, trong bờ thì cạn, càng ra xa càng sâu dần, chống hai ta xuống đất, nằm dài, hai chân đập xuống nước, tập vợi tay, đạp chân trong nước cho đến lúc nào cơ thể giống như nhẹ nhàng, nổi lên khi chân đạp, tay khoát trong nước, dần dần kinh nghiệm và thành thục hơn, thì lúc đó dù ai có vứt mình xuống nước cũng nổi lên, không chìm.
Cách cỡi trâu
         Chăn trâu, tất nhiên phải cỡi trâu. Tất cả trẻ chăn trâu bò đều phải biết cách cỡi. Thấp hơn trâu, trâu đang đi vẫn cỡi được, chứ trâu đang đứng hay cao bằng trâu mà cỡi thì dễ rồi. Lúc đầu thì thích lắm, biết làm sao mà cỡi đươc đây. Thấp hơn trâu, vịnh vào đâu để lên lưng trâu. Những đứa có thâm niên nghề chăn trâu, cách thao tác, cỡi trâu, ngồi lên lưng trâu hay thậm chí đứng trên lưng trâu lúc trâu đang đi, thấy mà khoái vô cùng.
         Chân trước của trâu có một khuỷu chân, ngang bụng trâu (tập cỡi khi trâu đứng) , với tay  vịnh lên kỳ ( xương sống phía trước nhô lên gần cổ trâu), một chân đạp lên khuỷu chân trước, chân kia nhún đất, cả hai chân lấy đà nhảy lên. Đó là cỡi hai bên hông. Còn cỡi phía sau thì một chân đạp lên khuỷu chân sau của trâu, tay nắm đuôi (gần đít trâu), tay nắm đuôi   kéo mạnh hai chân cùng lấy đà nhảy lên lưng. Còn cách thứ ba là trâu đang cúi xuống ăn hay bảo trâu (nếu trâu có được dạy, tập) cúi xuống, một chân đạp lên đầu (giữa hai sừng trâu), tay ôm cổ trâu, trâu cất đầu lên. Còn cách khác nữa là cho trâu xuống dưới ruộng, dưới ao, đứng trên bờ nhảy lên lưng là xong. Còn khi thuần thục, cách lên lưng rồi thì ngồi hai chân hai bên, hai chân một bên hoặc nằm sấp thì không sợ nữa rồi, chỉ có nằm ngữa hay đứng thẳng trên lưng trâu lúc trâu đang đi mới khó và ghê. Ngoài ra chúng tôi còn đua trâu nữa mới dữ dội chứ : Ngồi lên lưng trâu, hai chân thỏng hai bên hông trâu, hai ba đứa, hai ba con trâu cùng lúc đánh cho trâu chạy một đoạn đường dài nhất định
     

     Người ta bảo : “lạc đường theo đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”, điều này kinh nghiệm của người xưa rất đúng. Có lần, về mùa khô, trời sáng trăng, vì buổi chiều, trâu cày chiều, nghỉ muộn nên tranh thủ cho trâu ăn về tối hơn mọi ngày. Từ chỗ trâu ăn về đến nhà khoảng hơn bốn cây số. Khi trâu ăn no cho về thì đã 9 giờ đêm, tôi lên lưng trâu, nằm sấp, hai tay ôm hông trâu, hai chân cũng thỏng hai bên, trâu đi về, trên lưng, trâu tôi ngủ khi nào không hay. Trâu về chuồng lâu rồi mà không thấy tôi vào nhà, mẹ tôi chạy ra xem, thì ra tôi đang còn ngủ trên lưng trâu.
Đứng trên lưng trâu
          Người chăn trâu, với trâu rất thân thiết nhau. Người chăn trâu xem trâu như là bạn thân, rất thương yêu trâu. Sau khi cấy xong, đồng ruộng không còn chỗ trống để cho trâu bò ăn, chỉ còn những chỗ hoang hoá, tất cả trâu bò trong làng đều lùa ra những chỗ đó. Không ai được cho trâu bò ăn ở chỗ đồng đã cấy lúa, dù cho dắt mũi trâu ăn hai bên bờ ruộng, người giữ đồng nhìn thấy, bắt trâu về nhốt, làng sẽ phạt theo hương ước của làng. Khi gặt lúa gần xong, có lệnh thả đồng, trâu bò mới được thả cho ăn.                                                   
 Khi trâu đứng ở bãi hoang – thường là cuối làng hay sát bờ sông – tranh thủ đem trâu đi tắm rửa cho mát mẽ, kỳ cọ sạch sẽ khi nào da trâu láng bóng mới thôi, chín giờ dẫn trâu về chuồng cột lại, ăn sơ qua chén cơm nguội, gấp gáp, mỗi đứa một cái giỏ đan bằng tre có hai quai bằng dây để mang sau lưng, ra đồng cắt cỏ non, chừng hai giờ chiều, giỏ đầy cỏ mang về để dành đến tối cho trâu ăn bồi dưỡng. Buổi chiều cho trâu ra uống nước. Sáng sớm, dậy sớm, ra cây rơm rút một ôm cho trâu ăn sáng trước khi mở trâu ra bãi.
        Trâu khi đang lớn, phải tập cho nó có những thói quen để khi lớn lên dễ điều khiển như tập đứng yên để cải dù ( trâu đôi), éc (trâu một) vào cổ, cày, bừa, xe kéo…; tập cho ăn cỏ hai bên bờ ruộng, chỉ ăn cỏ không ăn hàng lúa sát bờ; tập đi bên phải, bên trái khi nghe hô “tắc” (bên trái, “rì” (bên phải); đi theo trên đường cày hay dưới đường cày; nghe đúng tên gọi (người ta đặt tên cho trâu như: tâu đực thì đạt tên là Ô, Dề…, trâu cái thì đặt tên là Nong, Nai…
        Còn trâu đánh nhau (chọi) thì khỏi nói. Cú chạm trán đầu tiên của hai trâu như trời giáng. Trâu đực nổi (trâu khoẻ nhất, rất mập, láng o, cổ rất bự, hai sừng nhọn hoắt) cũng có lảnh địa riêng, trâu đực ngoài vùng vào lảnh địa, nó phải bảo vệ bằng một trận quyết đấu sinh tử, nếu nó chống cự không nổi trâu ngoài thì nó mất lảnh địa, cho nên trong một vùng không thể có hai trâu nổi. Dù thua phải chạy, mình mang đầy thương tích, nó cố phải đánh để dành lại.
          Khi hai con đực nổi gặp nhau cách xa chừng 100 mét, chúng cất cao đầu nghênh chiến, nghênh nghênh đi về phía nhau, khi cách khoảng 20 mét, hai con đều lấy hết sức và tốc độ chạy bổ đầu vào nhau nghe một tiếng khô nặng trịch, nếu có một vật gì ở giữa chắc bẹp nhúm. Sau cú va chạm là hai bên đều dùng sức mạnh đẩy nhau, hai cặp sừng lắc qua, lắc lại nghe lắc cắc do lấy mánh, chống trả. Có đôi đánh nhau suốt cả buổi chưa phân thắng bại, khi một con bỏ chạy, thì con kia đuổi theo đằng sau từ làng này qua làng khác, có khi suốt cả ngày không nghỉ. Hai trâu thương tích đầy mình.
        Còn bọn chăn trâu, mặc dù chơi với nhau nhưng thấy trâu mình thua, cũng buồn, thương trâu, chuẩn bị cho phục thù, bằng cách chăm sóc vết thương, cắt cỏ non cho ăn bồi dưỡng tối đa, đôi lúc phải cho nghỉ cày, mài chuốt sừng thật nhọn, không cho trâu ăn gần trâu thắng, hẹn một năm sau cho chọi lạ. thường mấy con trâu thua là trâu non mới nổi, hăng nhưng còn yếu và thiếu kinh nghiệm. Khi thua bị đuổi chạy, có con rất khôn, tìm chỗ đông người chạy đến để nhờ giúp đỡ. Người ta dùng tre dài, gỗ dài xông ra cản con trâu thắng lại không cho đuổi nữa. Nếu trâu đánh nhau giữa đám ruộng lúa thì đám ruộng đó coi như tiêu đời.
Trò chơi khi tắm cho trâu
        Trò chơi của mục đồng thì rất nhiều và đa dạng, có khi lại nguy hiểm nữa là đàng khác, nhưng tất cả trẻ mục đồng đều tin vào một ông thần nào đó luôn giúp đỡ phù hộ cho, ông thần đó được thờ ở miếu Mục Đồng. Gọi là miếu chứ không phải miếu gì cả, những người chăn trâu trước đã xây một nền gạch trên một mô đất cao ráo, diện tích khoảng 4 mét vuông, một bậc thấp, một bậc cao, đặt hai bát nhang, tết Nguyên đán hay tết Đoan ngọ, các trẻ mục đồng tư nguyện đem lễ vật, hương hoa đến cúng. Lễ chính mỗi năm một lần, khi trâu bò được mở đồng, mỗi trẻ mục đồng đóng một ít tiền mua nếp, gà, vịt, hoa quả, tề tựu đông đủ, mời một vị cao niên trong làng ra đứng lễ bái, bọn trẻ chăn trâu bò khoanh tay đứng nghiêm trang phía sau, Cúng bái xong cùng nhau ăn uống vui vẻ. Bao nhiêu điều khấn nguyện chủ lễ vái, bọn chăn trâu bò nghe hết cả rồi, phải tin tưởng giữ gìn để trâu bò không bị dịch bệnh, phát triễn đàn tốt, các trò chơi không có nguy hiểm xẩy ra, trâu bò không được phá phách làm hại hoa màu, trẻ chăn trâu bò luôn khoẻ mạnh.
        Khi trâu bò thả tập trung, cho ăn một chỗ nào đó an toàn sau khi nông dân đã thu hoạch hết lúa, lúc này rảnh rổi tổ chức các trò chơi. Nhiều lúc chơi hăng vui vẻ quá quên cả về ăn cơm trưa. Giữa đồng có vài cái cồn mã rộng, người ta trồng từ lâu đời mấy cây bây giờ đã cổ thụ, tán cây xoè vươn ra rất rộng, phủ cả vài trăm mét vuông, rất mát mẻ, ngồi chơi dưới tán cây, gió nam Lào xào xạc, đứa thì ngủ, đứa thì tổ chức đánh thẻ, đánh đáo, đánh căng, ù mọi, đô vật, đôi lúc hè nhau tám sông, bơi thi, lặm thi, gần chiều thì chia phe đá banh (đá bóng). Bóng tự làm bằng vải vụn, cuộn tròn bằng quả bưởi, lấy dây chuối thắt mắt lưới cho khỏi bung. Trò chơi mèo bắt chuột trên cây, trò chơi nầy rất nguy hiểm, nếu khi leo, vịnh cây không chặt, rơi xuống đất bất tĩnh, gãy tay, gãy chân không chừng. Chọn một lùm cây có từ ba cây trở lên gần nhau, cành đan xen qua nhau, có vỏ cây dày, dai, cành nhiều, dài. Một người làm chuột, leo lên cây trước một người làm mèo, , nghe tiếng hô một, hai, ba, mèo trèo theo đuổi bắt chuột, leo từ cây nầy qua cây khác, cành nầy qua cành khác, làm sao để mèo đừng đuổi kịp đập vào chuột là chuột thua, còn thời gian nhất định nào đó, mèo không đuổi kịp chuôt là mèo thua phải đi đuổi trâu trong ngày đó khi cả bầy trâu đi ăn ra ngoài vùng hay đi bậy, ăn hoa màu. Mỗi trò chơi có một cách chơi riêng như trò chơi ù mọi chẳng hạn: Khoảng 10 trẻ chăn trâu bò chia đều hai phe, hai đứa làm chủ, bắt xăm ai chọn trước, ai chọn sau;  chọn từng đứa cho phe mình  hoặc một phe chăn trâu, một phe chăn bò. Có thể chấp ít người hơn. Một khoảng trống có chiều dài chừng 50 mét, rộng khoảng 25 mét, có ranh giới chung quanh, ở giữa chiều dài có đường vạch làm ranh giới hai phe, phe nào chọn bên nào thi đứng rải rác trong phạm vi phe đó. Khi bắt xăm chọn người trước thì bây giờ ù sau. Có hai cách ù : Một là từng người một đứng ở phe mình lấy nghỉn ù một hơi dài chạy qua phe kia làm sao quơ trúng đối phương mà chạy về được không hết nghỉn, người bị quơ trúng phải qua làm tù binh, không may bị đối phương bắt thì cũng bị làm tù binh của họ. Ngay khi vừa về phe mình thì phe bên kia lập tưc ù qua liền. Hai là ù hết phe nầy đến phe khác. Tù binh được cứu bằng cách ù qua làm sao quơ trúng tay tù binh, thì tù binh dược cứu. Nếu ngưng tiếng ù ở phe bên kia cũng bị chết bắt làm tù binh. Tù binh được đứng ở cuối sân đưa tay ra cho phe mình qua cứu. Nếu bắt được nhiều tù binh phe kia không cứu được coi như bị thua.
        Ngày xưa, tại mỗi gia đình nghèo con cái phải đi ở đỡ cho nhà giàu chăn trâu cho họ hoặc gia đình mình có trâu bò nhưng không đủ sức thuê người giữ, con phải phụ giúp cha mẹ, gia đình đi chăn trâu là lẽ thường. Người ta cứ đánh giá thấp người chăn trâu bò, là loại người vô học, không hiểu lý lẻ bị khinh khi; có người khi con cái nhác học thì mắng một câu “không học thì cho đi chăn bò”. Thật ra, chăn bò cũng có người có học, đi học một buổi, về chăn bò một buổi hay chăn trâu bò vào những ngày nghỉ học chẳng hạn. Chăn trâu, bò cũng có cái giá trị của nó. Ở Mỹ, ở Úc, ở Âu châu những “cow boy”không nổi tiếng đó sao?.
        Chăn trâu bò ở thôn quê rất thoải mãi, thong dong chẳng sợ gì cả, muốn làm gì thì làm, vui vẻ chẳng chút buồn phiền.
      Ngày xưa đi chăn trâu bò làm gì có mủ, có áo mưa, chỉ có cái nón đan, cái tơi lá che nắng che mưa chống rét. Nón đan bằng tre, có ba lớp: lớp ngoài đan bằng tre, lớp giữa lót bằng lá và lớp trong cũng đan bằng tre lỗ thưa để chặn cho lớp lá đừng rơi ra, có chóp như nón lá. Tất cả ba lớp được ép bằng bộ vành, khâu buộc rất đẹp và chắc có thể dùng được ba năm. Còn tơi là áo che mưa, che rét. Lên rừng lấy lá nón nhưng loại già hơn, về phơi khô, ép cho thẳng lá. Lấy bốn khúc tre khô, nhỏ bằng ngón chân, dài khoảng 1,30 mét căng môt cái khung hình thang cân, đáy lớn nằm trên. Lấy mây chẻ nhỏ, vót tròn, cột dăng ngang khung cách nhau khoảng 6cm, xếp lá lồng vào từ dưới, lấy rễ cây dôốc đã phơi khô chẻ ra thành sợi nhỏ, đút vào kim (tự làm bằng miếng sắt mỏng cuộn lại đầu nhỏ nhọn, đầu to có lỗ mài đầu nhỏ cho nhọn để dễ chằm) chằm dần từ dưới lên trên, xong đem ra uốn phía trên nhỏ lại làm cổ, cột lại để tròng vào cổ khi mang, khi mưa, mang vào không bao giờ ướt, gió rét cũng được che rất ấm. Mưa mang vào che mưa, hết mưa trải ra ngồi, nằm, đúng là “mưa làm áo, ráo làm đắm”. Tốt hơn áo mưa nhưng không tiện khi cất giữ. Khi sữ dụng xong, treo nón và tơi một chổ cẩn thận để dùng được lâu hơn.
        Chăn trâu, chăn bò đôi khi cũng rất nghịch ngợm, phá phách cho nên người ta hay nói “ nhất quỷ nhì ma, thứ ba chăn bò” cũng không sai. Tôi nhớ có lần, có một ông trong làng, ông rất “tráu” ( keo kiệt, không cho ai bất cứ thứ gì), phía sau vườn nhà ông có mấy cây “bứa” – loại cây rừng giống như măng cụt, trái chính màu vàng  ăn rất ngon– gần bờ lòi (rú), gần nhà ông nên ông quản lý. Đến khi chính ông đem bán chứ xin ông không cho, bọn giữ trâu bò ông không cho đã đành, mua cũng không bán, trâu bò ăn gần vườn, ông hay chửi bới la rầy, đánh đuổi. Chúng tôi bàn kế hoạch, hôm ấy báy đứa chia làm bai ngả, hai đứa dùng quèo để rung trên cành bứa, một đứa cởi ao ra lượm, còn bốn đứa đến trước cổng nhà ông xin, chắc chắn ông không cho nên chọc phá, ông mở cửa chạy ra đuổi, chạy mỗi đứa một ngả, ông vào thì ùa vào chọc phá nữa, ông ra đuổi chửi rủa đả đời, ở phía sau rung, lượm đầy áo mang đi giấu rồi cùng đến trêu chọc. Biết đã trộm thành công, bỏ đi lấy bứa ra ăn. Hôm sau, phát hiện bị mất bứa, ông tức giận vô cùng, tìm đến nhà từng đứa để bắt cha mẹ, không đứa nào nhìn nhận. Dưa cũng vậy, xin ai cho thì giữ gìn cho họ cẩn thận, ai không cho thì phá cho bỏ ghét, nhưng ít ai không cho vì biết không cho sẽ mất. Vậy đó..
          Mấy đưá đi học, nghỉ hè về giữ bò hay ở tỉnh về quê thăm ngoại chẳng hạn, đi theo lủ chăn trâu bò 20 ngày, một tháng, khi sắp đi học lại, không muốn về đi học nữa, vì đi chăn trâu bò quá vui, ở tỉnh, ở phố làm gì được vui đùa thoải mái như vậy.
          Chăn trâu, chăn bò có cái thú của chăn trâu, chăn bò là vậy. Ai có chăn trâu, chăn bò mới hiểu được ý nghĩa và sư tự do vui đùa riêng một cõi mà không sao diễn tả hết những điều đó.
        Tuổi thơ qua đi, bây giờ ngồi nhớ lại từng khoảnh khắc chơi đùa nghich ngợm không khỏi mỉn cười trong bụng.

2 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...

Bài viết hay! Tải tặng bác Kim Liên hình ảnh về áo tơi hí!

http://www.nguoinghetinh.vn/uploads/news/2014_06/anh-5.jpg

http://xmedia.nguoiduatin.vn/public/data/images/ngocluong/2012t1/thang6/nguoiduatin-t20662.jpg

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/9/98/%C3%81o_t%C6%A1i.jpg

http://media.thethaovanhoa.vn/2011/07/08/15/35/aotoi3.jpg

http://vietpictures.net/vi/images/stories/baiviet/201207-09.jpg

tamtriem.blogspot.com nói...

Nghỉ hè rồi chắc thong thả, sao không vào tham dự NH.BRVT cho vui.
Cảm on Phú Đoàn đã đến thăm , đoc bài viết và cung cấp thêm hình ảnh minh họa cho bài viết thêm phần hấp dẫn.
Chúc cả nhà vui khỏe