CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

NHÀ NÔNG VÀ NHỮNG CÁI GẦN GŨI VỚI HỌ



         Từ cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, giúp ích cho con người rất nhiều phạm vi trong cuộc sống. Có điều những tưởng không thể khắc phục được, nhưng khoa học công nghệ đã can dự vào thì có thể đem lại kết quả như mong muốn, từ những việc nhỏ nhặt nhất đến những việc to lớn, các nhà khoa học đều làm được cả.
        Tạm nói đến tất cả những công việc hàng ngày cuả tất cả mọi người, mọi nghề nghiệp, từ một em học sinh, đến một bác nông phu tay lấm chân bùn, ai nấy đều được hưởng những thành quả của khoa học để đem thành quả đó áp dụng trong đời sống và có thể nói nó gắn liền với nếp sống. Tuy nhiên có đôi khi nó làm đảo lộn phần nào. Cho đến nay, mặc dù khoa học công nghệ can dự vào hơn 90 %, nhưng có những cái vẫn còn duy trì từ xưa đến nay khó tách rời được
        Khoa học công nghệ áp dụng vào cuộc sống làm cho chúng ta bớt rất nhiều sức lao động, nhanh chóng, hiệu quả, đem lại lợi ích về tiền bạc nhưng đôi lúc có những cái, những việc vì quá lợi dụng vào khoa học làm cho con người mất đi sự sáng tạo để rồi khi cần thiết không có dụng cụ thì bối rối không thể xoay xở được. Một em học sinh luôn luôn và được phép xử  dung náy tính kể cả lúc vào phòng thi, đơn giản chỉ cần khai căn một số nào đó hay  tính số đo một cung lượng giác mà không có máy tính thì rất khó có kết quả. Những vật dụng dùng trong nhà hàng ngày hiện nay làm bằng nhựa, nhôm, sắt rất tinh tế, rất đẹp. Ngày xưa người ta làm toàn bằng tre, sử dụng đôi tay khéo léo, nếu có kỷ thuật, mỹ thuật thì cũng đẹp, chắc và đặc biệt ai cũng làm được, bảo quản trong tất cả mọi thời tiết, môi trường, hư thì làm lại cái khác ngay. Vấn đề sinh tồn, đối phó với sự thiếu thốn của người xưa chắc chắn cao hơn bây giờ.
 SỰ ĐẮC DỤNG CỦA CÂY TRE.



        Tre có nhiều loại: Tre la ngà, dài (trung bình 15 mét), to, có nhiều gai nhọn dưới gốc, cành dài; tre lồ ô, to, rất  thẳng, dao lóng (cao trung bình 10 mét), mỏng, không có gai; tre cà lay (tre cán giáo), cao chừng 8 mét, không có gai, ruột đặc; hóp là loại tre nhỏ đường kính chừng 4.5 cm, gốc đặc, lên cao hơi mỏng, dẻo không có gai; tre tong, trúc…, còn rất nhiều loại nữa. Tùy theo từng loại mà có những đặc trưng riêng. Cho đến bây giờ khoa học phát triển, cây tre vẫn còn đắc dụng đối với bất kỳ một gia đình nào, nhất là những gia đình ở nông thôn Việt Nam. Thiếu nó cũng có thể gây ra những trở ngại nhất định trong công việc hàng ngày của nhà nông. 
        Bất cứ một gia đình nào ở Việt Nam, hàng ngày đều phải sử dụng đến tăm và đũa trong mỗi bữa ăn. Tăm và đũa người ta có thể làm bằng gỗ, bằng nhựa nhưng chắc chắn rằng không bao giờ tiện lợi và đẹp bằng tre. Đó là những thứ nhỏ nhặt. Ngày xưa ở nông thôn Việt Nam, tre là loại cây đắc dụng và không thể thiếu đối với người dân, từ việc làm cột nhà tạm (tre la ngà), kèo, đòn tay, rui, mè, hom tranh, lạt buộc, vách phên, chỉ trừ tranh lợp còn toàn bộ đều làm bằng tre. Nếu chọn tre cẩn thận, tre già, ngâm nước khoảng trên 3 tháng, tùy theo loại tre để sử dụng vào mỗi việc, làm có kỹ thuật, giữ gin cẩn thận thì ngôi nhà có thể ở được 10 đến 15 năm là thường. Tre còn sử dụng  trong công việc nông nghiệp như lạt bó mạ, lạt bó lúa, dây cày, dây gàu tát nước, làm cột xây rơm, làm dàn trồng bầu bí, làm hàng rào nhà cửa, làm cán cuốc, cán chày, cán rựa, cán dao…, ngoài ra những dụng cụ hỗ trợ khác như đan thúng, mũng, nống, nia, sàng, dần, rổ rá, cối xay, nơm, nò, sáo, lờ… ; gốc, rễ, nhánh ngọn thì phơi khô chụm bếp; thân non (măng) dùng chế biến thục phâm… và làm được rất nhiều công cụ khác nữa không thể kể hết. Nói chung cây tre không thể thiếu và rất gắn bó với người dân nông thôn nghèo của Việt Nam ta ngày xưa mà bây giờ nó vẫn còn hữu dụng không thể thiếu…       
        Do vậy mà người dân họ trồng tre quanh vườn nhà, nhà nào cũng có, để khỏi đi xin hay đi mua của người khác mà lại  làm được hàng rào chung quanh vườn nhà khi trồng phủ hết (bằng hóp hay tre cán giáo) chu vi vườn, độ năm năm sau, bốn phía vườn có một hàng rào kiên cố rồì.
        Trong văn chương thi ca, hội họa người ta có sử dụng hình ảnh cây tre để diễn tả một điều nào đó như người ta ví Mai, Lan, Cúc, Trúc cho bốn mùa, hay:
                    “Gió đưa cành trúc là đà
            Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”
      Hay:      “Trúc xinh trúc mọc một mình
             Em xinh đứng tựa cột đình cũng xinh”.
        Diễn tả hình ảnh quê hương hay nông thôn như cây đa, bến nước, sân chùa, con đường cái quan mà không có hình ảnh lũy tre, bụi chuối thì đó là những thiếu sót chưa đủ nói lên hình ảnh đẹp của quê hương được. Thật vậy.


RẠ LENG  
        Từ “rạ leng” hay “rạ cùn” bây giờ ít người biết đến, chỉ có mấy người thôn quê quen dùng tiếng địa phương, khi nói đến là biết ngay thứ gì thôi. Là cây rựa bị gãy cán, dùng lâu ngày mài mòn còn nhỏ lại nhưng vẫn dùng tốt do thợ rèn chuyên nghiệp, có đạo đức không làm dối cho nên một cây rựa sử dụng đến khi mòn nhỏ lại bằng ngón tay cái vẫn còn sắc bén. Vừa gãy cán, vừa mòn người ta đặt cho cái biệt danh “Rạ Leng”.


        Cuốc cùn, rựa leng đối với nhà nông thì chẳng xa lạ gì, nhà nào cũng có. Hiện nay, đa số người dân ít dùng đến cuốc rựa – nhất là dân ở thành thị, không sản xuất, trồng trĩa, rõ ràng họ không dùng cuốc làm gì, còn rựa thì lại không cần đến bởi mọi cái cần thiết thì người ta đã sản xuất sẵn, chỉ cần bước ra khỏi nhà vài bước, có tiền thì thứ gì cũng có, khỏi phải hao công tổn sức để làm bằng thủ công, đã nhanh mà lại tiện nữa. Chỉ có nhà quê, ít tiền bạc phải  làm những thứ có thể làm được để tiết kiệm, họ mới tận dụng tre, tận dụng thời gian nghỉ ngơi tranh thủ làm ra những vật dụng cần thiết để dùng trong gia đình.
         Nghề đan đát - mây tre lá - ở thôn quê bị mai một dần bởi sản xuất mà không có đầu ra, ít vốn thì làm sao đứng vững. Nghề đan đát chỉ là nghề thủ công truyền thống, công nghiệp, máy móc không tham dự hết các khâu do đó sản xuất bằng thủ công tốn công nhiều mà thu nhập ít, cân đối sẽ bị lỗ cho nên nghề bị bỏ dần chưa nói đến đồ sản xuất bằng công nghiệp sử dụng nhựa, nhôm… tràn ngập khắp nơi.
        Rựa leng, cuốc cùn bây giờ cũng là những vật kỷ niệm  của nhà nông nó cũng có giá đối với vài người sưu tầm đồ cổ, tuy nhiên còn có vài nơi, vài chỗ, tất cả những sinh hoạt, tập tục của ngày xưa vẫn còn duy trì cho tới tận bây giờ trong đó những vật dụng của một thời theo sát họ, nay không phù hợp hay không dùng được nữa, họ vẫn cất giữ rất cẩn thận ở một vị trí nào đó trong nhà để làm kỷ niệm như cái cày, cái bừa, cái liềm, cái vằng, cái hái (dụng cụ cắt lúa), cái đòn xóc, đòn gánh và tất nhiên có rựa leng, cuốc cùn nữa.


       









Không có nhận xét nào: